Lựa chọn khác biệt trong quan điểm đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc

05:30' - 29/10/2017
BNEWS Trang chinausfocus.com đăng bài phân tích về những quan điểm đối ngoại khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc của Giáo sư Patrick Mendis thuộc Đại học Harvard (Mỹ).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Theo phương thức đặc trưng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm 2017 đã viết trên Twitter rằng: "Thật tuyệt nếu Trung Quốc quyết định hỗ trợ về vấn đề Triều Tiên. Nếu không chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này mà không cần đến họ".

Sau đó, trong cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc hồi đầu tháng 4/2017, ông Trump đã nhận được một “bài giảng” kéo dài 10 phút từ ông Tập Cận Bình về lịch sử Trung Quốc-Triều Tiên. Ông Trump sau đó đã phải thừa nhận rằng “điều đó (Trung Quốc giúp đỡ trong vấn đề Triều Tiên) thật không dễ dàng".

Sau khi để mất hơn 400.000 binh sĩ Trung Quốc bởi những trận bom của Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cuộc xung đột chưa bao giờ kết thúc này - thậm chí với hiệp định đình chiến năm 1953 - vẫn tiếp tục dưới chế độ của Kim Jong-un, cháu trai của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).

Theo Giáo sư Patrick Mendis, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, đối với Trung Quốc, Triều Tiên là vùng đệm bảo vệ họ trước đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ duy trì hơn 28.000 binh sĩ dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc tại Hàn Quốc.

Khu vực phi quân sự dài 160 dặm, rộng 2,5 dặm, ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc nằm dọc theo vỹ tuyến 38, chỉ cách Seoul 35 dặm. Mỹ đã mở một căn cứ quân sự trị giá 11 tỷ USD tại Hàn Quốc và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà cho đến thời điểm này vẫn chưa chứng tỏ tác dụng bảo vệ các lực lượng Mỹ hay Hàn Quốc.

Với những ký ức từ cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm, cuộc xâm lược của Nhật Bản và thảm họa Nam Kinh, và quan trọng nhất là cả thế kỷ dưới trướng các cường quốc phương Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình và người dân Trung Quốc muốn có sự hòa bình trong một trật tự thế giới mới.

Trung Quốc đã dàn xếp gần hết 14 vấn đề biên giới với các nước láng giềng, gần đây nhất là Ấn Độ. Hiện nay, Triều Tiên - với di sản đầy phức tạp của họ - chính là thách thức lớn nhất của Tập Cận Bình.

Cũng như vấn đề biên giới giữa Mỹ và Mexico là phép thử đối với sự lãnh đạo của ông Donald Trump và ông muốn xây dựng bức tường ở biên giới để ngăn cản hoạt động vượt biên trái phép, đánh cắp việc làm của người Mỹ thì Trung Quốc cũng lo ngại về làn sóng di cư khổng lồ khi Triều Tiên bất ổn.

Trái với nước Mỹ và những cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Trung Đông và khoản nợ công gia tăng, Trung Quốc đã bắt đầu đón nhận tầm nhìn của Mỹ về một thế giới toàn cầu hóa thông qua thương mại. Chiến lược này rõ ràng là nghệ thuật của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh "hòa bình" với Mỹ và phương Tây - những nước kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã duy trì sự ảnh hưởng của họ đối với cả thế giới.

Tất cả điều đó đã thay đổi tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 khi Trung Quốc giành được hầu hết các huy chương vàng và bạc. Nó báo hiệu sự trở lại của Trung Quốc sau bốn thế kỷ bị lu mờ trên trường quốc tế. Trung Quốc đã thực hành nghệ thuật chiến tranh của Tôn Tử "tận dụng điểm yếu và tránh những điểm mạnh của kẻ thù".

Hiện giờ, Trung Quốc đang thực hiện các nhiệm vụ của Mỹ, trong khi Mỹ lại rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu khi đi theo chiến lược "nước Mỹ trên hết". Quan điểm "phục hưng Trung Hoa” của Tập Cận Bình thông qua chính sách đối ngoại tham vọng về sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một thử nghiệm.

Chuyển hướng khỏi chiến lược "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, sự trỗi dậy sau Olympics 2008 đã nâng tầm Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới, cùng với Mỹ giải quyết một trong những vấn đề tồn đọng là Triều Tiên.

Thậm chí, trước khi ông Tập đề xuất khái niệm G2 trong quan hệ Mỹ-Trung như là một "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" thì giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã bắt đầu coi câu chuyện Trung Quốc gắn liền với sự toàn vẹn lãnh thổ và di sản Nho giáo.

Trong bối cảnh này, Mỹ đã thúc giục Trung Quốc gây áp lực đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt. Triều Tiên có gần 900 dặm đường biên giới với Trung Quốc và giao thương hơn 80% hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu với Trung Quốc.

Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên, sau đó là Mexico, Pakistan, Nga, Saudi Arabia và Thái Lan. Bất cứ sự trả đũa nào đối với những nước có quan hệ thương mại với Triều Tiên đều có ảnh hưởng xấu đối với quan hệ thương mại và sự phát triển kinh tế của Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc và các chiến lược gia quân sự ở Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc phải giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Gần đây, cựu chiến lược gia của ông Trump, ông Steve Bannon, trong chuyến đi Hong Kong đã tuyên bố rằng quan hệ thương mại ổn định Mỹ-Trung có thể giúp hai nước này kiểm soát những bất đồng đối với “những vấn đề tiềm ẩn xảy ra xung đột như Triều Tiên và Biển Đông”.

Khi tranh luận về vấn đề thương mại và công nghệ, ông Bannon cho rằng Mỹ cần phải có lập trường cứng rắn hơn với các nước khác, bao gồm Trung Quốc và Triều Tiên. Trong khi chỉ trích những quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ đã khiến đất nước rơi vào tình cảnh này, ông Bannon khẳng định: "Mỹ không gây chiến tranh kinh tế với Trung Quốc mà Trung Quốc đang gây chiến tranh kinh tế với Mỹ".  

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu thông qua sáng kiến BRI. Khi uy tín và ảnh hưởng của Mỹ suy giảm cùng với một vị Tổng thống khó dự đoán, Trung Quốc đang kết thêm bè bạn, gây ảnh hưởng và tiếp tục giảng giải cho Tổng thống Trump về chính sách đối ngoại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục