Lưới điện miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục vận hành đầy và quá tải

11:19' - 28/01/2021
BNEWS Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, năm 2021, thời tiết, khí hậu Nam miền Trung và Tây Nguyên vẫn diễn biến bất thường; lưới điện tiếp tục vận hành trong tình trạng đầy và quá tải.

Ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, năm 2021, thời tiết, khí hậu Nam miền Trung và Tây Nguyên vẫn diễn biến bất thường; Lưới điện tiếp tục vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. Với chính sách, cơ chế hấp dẫn của Nhà nước tiếp tục thu hút các Nhà đầu tư, xây dựng các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, đặc biệt tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc và Gia Lai sẽ gây áp lực lớn và nguy cơ mất an toàn trong quản lý vận hành lưới truyền tải điện.

Hiện nay, nguồn điện mặt trời trang trại, mặt trời mái nhà ở cấp điện áp 110kV là 2.308 MW, cấp điện áp 22kV và 0,4kV là 2.755 MW và thủy điện nhỏ ở cấp điện áp 110kV là 899 MW, đấu nối lưới trung/hạ thế là 577 MW phát lên lưới các Công ty Điện lực nên sản lượng điện truyền tải của Công ty năm 2021 sẽ giảm. Dự kiến, sản lượng điện truyền tải trong năm nay chỉ đạt 8,5 tỷ kWh, thấp hơn mức thực hiện trong năm 2020.

Bên cạnh đó, các nhà máy điện mặt trời khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên đấu nối lên lưới điện 220kV, 500kV có tổng công suất đặt 3.386 MW; trong đó: cấp điện áp 500kV là 1.050 MW, cấp điện áp 220kV là 2.336 MW phát lên lưới không ổn định do phụ thuộc lớn vào thời gian nắng nên ngoài việc quản lý vận hành rất khó khăn thì cũng khiến tổn thất điện năng (TTĐN) tăng cao. Do vậy, Công ty dự kiến tổn thất điện năng trong năm 2021 ở lưới chung 500kV và 220kV là 2,04%; trong đó lưới 220kV là 2,02%; lưới 500kV là 1,46%.

Để đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện an toàn, liên tục và ổn định trong khu vực, theo ông Nguyễn Công Thắng, năm nay Công ty sẽ tăng cường quản lý kỹ thuật, kiểm tra, thí nghiệm, sửa chữa, điều tra phân tích sự cố; Kiểm tra giám sát việc chấp hành quy trình, quy phạm, chấp hành kỷ cương, kỷ luật vận hành. Đồng thời, triển khai các giải pháp hữu hiệu để tiếp tục giảm thiểu sự cố trên lưới nguyên nhân do sét, do vi phạm hành lang lưới điện, do suy giảm chất lượng thiết bị. Đặc biệt không để xảy ra sự cố do các nguyên nhân chủ quan gây ra.

Cùng với việc lập kế hoạch đồng bộ, theo dõi sát sao từ khâu mua sắm vật tư thiết bị, tranh thủ việc chưa khai thác đồng bộ các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực, tạo thuận lợi đăng ký cắt điện thi công hoàn thành kế hoạch sửa chữa lớn, Công ty cũng triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, quản lý đo đếm giao nhận điện năng … để giảm tổn thất điện năng. Phối hợp với các Ban Quản lý dự án tổ chức nghiệm thu đóng điện các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, Công ty tăng cường an toàn vệ sinh lao động để ngăn chặn các vi phạm quy trình, quy phạm dẫn đến đến sự các cố chủ quan và tai nạn lao động. Tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBCNV, nâng cao năng lực cho lực lượng vận hành, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động, sẵn sàng tiếp nhận quản lý vận hành các công trình mới.

Năm 2020, sản lượng điện truyền tải qua các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đạt gần 8,6 tỷ kWh, chỉ bằng 87,44% kế hoạch năm và giảm 9,86% so với năm 2019.

Nguyên nhân chưa đạt 100% kế hoạch sản lượng theo PTC3 là do: Sản lượng điện các phụ tải của 9 tỉnh Nam miền Trung thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Nam tăng nhẹ so với năm 2019 là 1,35%.

Sản lượng phát các nhà máy điện mặt trời trang trại, mái nhà khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp dưới 110kV có công suất đặt lên tới 5.063 MW phát lên lưới 0,4kV, 22kV, 110kV.Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ có công suất đặt 1.416 MW phát lên lưới 110kV, 35kV, 22kV khi có nước về nhiều nên sản lượng điện truyền tải của Công ty thực hiện thấp hơn so kế hoạch.

Trong khi đó, tỷ lệ tổn thất điện năng của Công ty lại đạt 2%, cao hơn kế hoạch giao là 0,02% và bằng kết quả thực hiện năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tổn thất lưới 500kV là 1,34%, cao 0,06% so với mức thực hiện năm 2019; tỷ lệ tổn thất lưới 220kV là 1,97%, giảm 0,15%.

Nguyên nhân tổn thất điện năng trên lưới 500kV tăng cao theo đánh giá của lãnh đạo PTC3 là do trong 9 tháng năm 2020, mặc dù TTĐN trên lưới 500kV Công ty thực hiện thấp hơn kế hoạch (1,23%/1,28%) tuy nhiên, trong 3 tháng còn lại, nước về các hồ thủy điện miền Trung và miền Bắc nhiều, miền Nam thiếu nguồn, phải truyền tải cao trên 4 mạch đường dây 500kV từ Pleiku và Pleiku 2 vào miền Nam tăng gần 2,7 tỷ kWh nên tổn thất trên lưới 500kV tăng.

Để quản lý, vận hành các đường dây, các truyền tải điện đã kết hợp công tác thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp (TBA); thí nghiệm và bảo dưỡng các nhà máy điện trong khu vực, thi công đoạn đấu nối, thực hiện các công việc sửa chữa, bảo dưỡng trên đường dây truyền tải với khối lượng sửa chữa, bảo dưỡng rất lớn.

Trong đó có vệ sinh Hotline để xử lý nhiễm bẩn bất thường trên đường dây ở 149 vị trí thuộc 16 công trình, bao gồm: 51 vị trí trên đường dây trên không 500kV: Pleiku - ĐăkNông, ĐăkNông - Cầu Bông, Pleiku - Di Linh, Pleiku 2 - Cầu và 98 vị trí trên đường dây trên không 220kV: Tuy Hòa-Nha Trang, Quy Nhơn - An Khê, SK An Khê - Pleiku, Pleiku 2 - Krôngbuk, BuônTuaSrah - ĐăkNông, BuônKuốp - ĐăkNông, Lê Hồng Phong 1 - Phan Thiết, Vĩnh Tân - Quán Thẻ, Vĩnh Tân - Nhị Hà, Phước An - Quy Nhơn và Pleiku 2 - Phước An) và 6 Trạm biến áp.

Cùng với việc thay thế cách điện truyền thống bằng cách điện composite trên các đường dây truyền tải; Lắp đặt 6 bộ chống sét van tại các vị trí xung yếu có nguy cơ gây sự cố do sét trên đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang, các đơn vị còn tăng cường tần suất kiểm tra đo phát nhiệt tại các điểm tiếp xúc tại 6.099 vị trí; kiểm tra Corona cách điện đường dây truyền tải tại 2.001 vị trí đối với một số đường dây 220kV đang mang tải cao như: Quy Nhơn - Tuy Hòa, Đa Nhim - Đức Trọng, Đức Trọng - Di Linh, Thiên Tân - Nha Trang... khi các nhà máy điện mặt trời phát công suất cao, một số ngăn lộ của Trạm biến áp và đặc biệt là các đường dây 500kV trong thời gian mang tải cao.

Công ty còn tăng cường kiểm tra, thống kê tạo lập vùng xung yếu về hành lang tuyến và thực hiện định kỳ trước khi mùa khô khu vực Tây Nguyên từ tháng 11 và đầu tháng 12, khu vực Duyên Hải miền Trung thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Đặc biệt, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an tổ chức tuyên truyền cũng như xử lý các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện; Thường xuyên tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Tại các trạm biến áp, công nhân vận hành thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật và đúng quy định công việc kiểm tra thiết bị, kiểm tra định kỳ, kiểm tra ngày/ đêm, kiểm tra đột xuất, khi phụ tải tăng cao, kiểm tra phát nhiệt thiết bị… nhằm sớm phát hiện, xử lý các bất thường, hư hỏng của thiết bị đảm bảo vận hành an toàn, đặc biệt đối với các TBA không người trực.

Cùng với đó, Công ty tổ chức kiểm tra định kỳ ca trực, kiểm tra kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình, thông số vận hành; báo cáo kịp thời các diễn biến bất thường với các cấp điều độ để sớm phát hiện, xử lý các bất thường nhằm đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới truyền tải điện trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục