Lương trung bình tại Italy giảm mạnh nhất trong EU

16:57' - 03/11/2021
BNEWS Mức lương tương đối thấp tại Italy trước đại dịch COVID-19 hiện đã giảm hơn nữa và nước này trở thành nước có lương trung bình giảm mạnh nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

 

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo cáo của Quỹ Di Vittorio (FDV), nghiên cứu về hậu quả của đại dịch đối với tiền lương và việc làm tại Italy, công bố ngày 2/11, cho biết lương trung bình của một người lao động toàn thời gian ở Italy năm 2020 đã giảm 5,8% (1.724 Euro so với năm 2019), nhiều hơn các thành viên còn lại trong EU trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19.

Theo FDV, mức lương trung bình tại EU năm 2020 đã giảm 1,2%, còn mức lương trung bình tại Khu vực Đồng euro (Eurozone) giảm 1,6%.

Báo cáo trên nêu rõ Italy hiện có khoảng 3 triệu người lao động theo hợp đồng ngắn hạn và 2,7 triệu người bị buộc làm việc bán thời gian, tức 66,2% tổng số lao động làm việc bán thời gian, cao hơn nhiều so với mức trung bình 24,7% của Eurozone.

Nghiên cứu chỉ ra rằng về lý thuyết, hợp đồng ngắn hạn nên là cách để đáp ứng nhu cầu lao động tạm thời, nhưng trong nhiều trường hợp chúng thường được dành cho những người lao động có trình độ tay nghề thấp, lao động giản đơn. Mức lương bán thời gian tại Italy cũng thấp hơn 10% so với mức trung bình ở EU.

Theo tính toán của FDV, tỷ lệ thất nghiệp thực tế tại Italy năm 2020 là 14,5% so với con số chính thức là 9,2%.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch FDV Fulvio Fammoni nhấn mạnh: “Rõ ràng rằng vấn đề công việc liên quan đến số lượng việc làm, nhưng cũng có nhiều khía cạnh về chất lượng việc làm”.

Đề cập đến các kế hoạch của chính phủ cho ngân sách năm 2022, ông Fammoni chỉ ra rằng vấn đề là khoản ngân sách đó giải quyết được đến đâu những vấn đề cơ bản của Italy, thay vì chỉ đơn giản là sử dụng chúng như thế nào.

Nghiên cứu của FDV cũng xem xét thị trường việc làm trong thập kỷ trước, cho thấy trong giai đoạn 2010-2019, thu nhập trung bình ở Đức tăng 5.430 Euro/năm so với mức giảm 596 Euro/năm tại Italy, quốc gia có số giờ làm việc cao nhất, trong khi năng suất thấp hơn mức trung bình của EU - bao gồm cả các nền kinh tế lớn khác như Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Kết quả một khảo sát khác năm 2021 cho thấy những công dân nước ngoài chuyển đến Italy cũng gặp phải các vấn đề về tiền lương và điều kiện làm việc. Khoảng 30% số người nước ngoài sống tại Italy cho biết thu nhập của họ không đủ để trang trải chi phí cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục