Italy thông qua dự thảo tăng ngân sách 2022 thêm 23 tỷ euro

14:02' - 20/10/2021
BNEWS Khoản ngân sách bổ sung mà Chính phủ Italy dự kiến sẽ triển khai trong năm tới, bao gồm cân đối ngân sách mục tiêu cũng như các dự báo về thu - chi ngân sách.

Ngày 19/10, Nội các của Thủ tướng Italy Mario Draghi đã thông qua dự thảo tăng ngân sách năm 2022 thêm khoảng 23 tỷ euro (26,7 tỷ USD), trong đó có giảm mạnh thuế thu nhập, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn lan nhanh.
Khoản ngân sách bổ sung mà Chính phủ Italy dự kiến sẽ triển khai trong năm tới, bao gồm cân đối ngân sách mục tiêu cũng như các dự báo về thu - chi ngân sách. Theo đó, 8 tỷ euro sẽ được dành cho việc thực hiện cắt giảm thuế có liên quan tới chủ sử dụng lao động và người lao động, cũng như giảm thuế với một số sản phẩm vệ sinh.

Chính sách thuế này được đưa ra dựa trên thực tế dù đã cắt giảm gần đây, nhưng mức thuế ở Italy vẫn cao thứ năm - chiếm tới 46% tổng chi phí lao động - trong số 37 nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2020.
Dự thảo cũng đề cập các biện pháp kích thích nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19.

Các mục tiêu chính bao gồm đổi mới các biện pháp hỗ trợ, đơn cử như quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà - đem lại lợi ích cho lĩnh vực xây dựng, và đầu tư, huy động nguồn lực để quốc tế hóa các doanh nghiệp nội địa.    
Ngoài ra, dự thảo ngân sách bổ sung cũng dành một khoản đầu tư chưa xác định nhằm giảm thiểu hóa đơn tiền điện và khí đốt của các gia đình được dự báo sẽ tăng. Các nguồn lực khác được phân bổ cho chi tiêu phúc lợi, chẳng hạn như mở rộng mạng lưới lợi ích xã hội cho nhóm người lao động đang thất nghiệp và cải thiện các hệ thống trường mẫu giáo ở cấp địa phương.

Chế độ nghỉ dưỡng thai trong 10 ngày làm việc cũng là một chính sách được nội các nhất trí trong dự thảo ngân sách năm 2022.
Trái lại, Nội các Italy chưa chấp thuận thay đổi cơ chế lương hưu mang tên "Hạn ngạch 100", trong đó đề xuất cho phép một số người làm việc không theo cơ chế tuổi nghỉ hưu thông thường và cho phép nghỉ hưu khi người lao động đủ 62 tuổi cũng như có 38 năm đóng góp cho xã hội.

Tuy vậy, các thành viên Nội các đã thống nhất xác định dự thảo ngân sách sẽ bao gồm "các hoạt động trong lĩnh vực lương hưu để đảm bảo quá trình chuyển đổi từng bước và cân bằng sang chế độ bình thường".  
Nội các của Thủ tướng Mario Draghi dự kiến sẽ trình dự thảo ngân sách bổ sung lên Ủy ban châu Âu (EC) để xem xét thông qua. Sau khi được đánh giá được sửa đổi theo góp ý của EC, dự thảo cần phải được Quốc hội Italy thông qua vào cuối năm nay.
Trước đó, theo dự báo của Bộ Kinh tế và Tài chính Italy vào cuối tháng Chín, nước này đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 4,7% trong năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục