Lượng truy cập sàn thương mại điện tử đạt khoảng 3,5 triệu lượt/ngày

15:10' - 10/11/2020
BNEWS Với sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Mô hình kinh doanh trực tuyến đã đem lại những thay đổi lớn và có ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.

Đây là thông được cho biết tại hội thảo "Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và các vấn đề pháp lý quan trọng" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10/11.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho biết, hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn.

Thống kê lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Còn theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C (hình thức kinh doanh của doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%.

So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á, hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã và đang diễn ra rất sôi động, cũng như phát triển vô cùng nhanh chóng.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC đánh giá, nhờ sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, doanh nghiệp được thuận lợi hóa, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và trên hết là các doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với công nghệ số 4.0.

Thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, doanh nghiệp đã dần chuyển hướng, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội... nhằm tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao hơn.

Đây là tín hiệu rất tốt, nhất là khi doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19.

Sự thay đổi thói quen của doanh nghiệp đã phản ánh một thực trạng khả quan về hoạt động thương mại điện tử. Điều này tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ trực tuyến trong tương lai.

Tuy vậy, muốn giao dịch qua công cụ thương mại điện tử được thực hiện an toàn, đảm bảo quyền lợi của người cung cấp, người tiêu dùng, sàn giao dịch... thì những quy định pháp luật cần được xây dựng và được hướng dẫn để áp dụng phù hợp với thực tế của thị trường.

Khảo sát từ thực tiễn cho thấy, hầu hết sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu nhà cung cấp, người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Do đó, giao dịch thương mại điện tử phổ biến xuất hiện tình trạng nhà cung cấp không xem trọng nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ và các vi phạm thường xuyên xảy ra, trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn.

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC cho rằng, yêu cầu cần thiết để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cần xây dựng nền tảng thương mại điện tử tốt và an toàn.

So với trước đây, có thể thấy không chỉ người dân thay đổi thói quen tiêu dùng mà doanh nghiệp cũng đang ngày càng có nhiều cải tiến hơn trong công nghệ điện tử.

Cùng với đó phải kiểm soát và hạn chế hiệu quả những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp và rủi ro khi thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử sẽ là nền tảng để thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử bền vững.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức cũng đồng thời tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa ITPC và VECOM; VIAC và VECOM.

Thông qua thỏa thuận hợp tác này, các bên sẽ chung tay đồng hành nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và tránh các rủi ro pháp lý khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời góp phần phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục