"Luồng xanh" vận tải giúp lưu thông hàng hóa tại khu vực phía Nam thông suốt

17:43' - 20/07/2021
BNEWS Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức các “luồng xanh” vận tải hàng hóa quốc gia, vận tải hàng hóa vùng, liên vùng.

Điều này đã giúp sự lưu thông hàng hóa không bị “đứt gãy”, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố đang áp dụng giãn cách xã  hội. Qua đó, góp phần đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 và cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, để đảm bảo lưu thông hàng hóa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố 19 vị trí chốt kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng dịch trên các tuyến quốc lộ thuộc “luồng xanh” quốc gia qua địa bàn 8 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng công bố “luồng xanh” quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành phố. “Luồng xanh” quốc gia này đã hướng dẫn phân luồng lộ trình cụ thể theo các tuyến quốc lộ cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông giữa Tp. Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại.

Là Tổ trưởng Tổ kiểm tra số 1, một trong 4 tổ kiểm tra thực hiện “luồng xanh” phân theo từng khu vực do Bộ Giao thông Vận tải thành lập, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV chia sẻ, từ sáng 19/7, đồng loạt 4 Tổ công kiểm tra "luồng xanh" vận tải trong vùng dịch ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện nhiệm vụ. Tính đến chiều 20/7, các chốt kiểm soát giao  thông đều thông thoáng, chỉ có một vài điểm ù ứ nhưng cũng nhanh chóng được giải tỏa.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thành cho hay, qua khảo sát thực tế tại các chốt kiểm soát tại cầu Đồng Nai (Biên Hoà, Đồng Nai), Quốc lộ 1K đoạn giáp ranh Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy giao thông đều thông thoáng.

Ông Nguyễn Văn Thành đánh giá, từ ngày triển khai "luồng xanh" vận tải, dòng xe cộ lưu thông trên các tuyến quốc lộ đã thông thoáng hơn trước, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá trong khu vực.

Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết thêm những ngày trước do một số địa phương áp dụng việc kiểm tra giấy xét nghiệm, áp dụng các phương án kiểm soát không đồng bộ nên đã dẫn đến tình trạng xảy ra ùn ứ giao thông tại một số thời điểm. Tuy nhiên từ ngày 19/7 đến nay tình hình đã được cải thiện rất nhiều.

Kiểm tra ở các cảng, ông Thành nhận định: "Qua kiểm tra tại các cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCCM) và cảng Cái Mép - Thị Vải (CMIT), cảng Long Bình, các doanh nghiệp này đều chấp hành tốt việc phòng chống dịch COVID-19, tạo luồng xe riêng ra vào cảng không xảy ra ùn ứ giao thông.

Về “luồng xanh” đường thủy, ông Nguyễn  Văn Thành cho biết, ngay sau khi được chấp thuận sử dụng các tàu cao tốc đường thủy vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đến thời điểm này đã có 2 tàu cao tốc vận chuyển được gần 40 tấn rau, củ, quả từ các tỉnh về Tp. Hồ Chí Minh cung cấp cho người dân.

Tại Cần Thơ, đại diện Tổ kiểm tra số 4 của Bộ Giao thông Vận tải cho hay đã phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương kiểm tra thực tế tại  các cảng, bến thủy nội địa và chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19. Qua kiểm tra, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án xuất, nhập khẩu hàng hóa đường bộ, đường thủy tại các bến cảng, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đảm bảo an toàn.

Các đơn vị được kiểm tra cho biết, doanh nghiệp không gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa qua các địa phương bằng đường thủy và đường bộ.

Trao đổi với  phóng viên TTXVN chiều 20/7, ông Trần Thanh Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý Đường bộ IV, Tổ trưởng Tổ kiểm tra số 4 đánh giá, qua kiểm tra chốt kiểm soát phòng chống dịch đường dẫn cầu Cần Thơ và hai bến cảng cho thấy, các đơn vị đều chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19, tạo luồng xe riêng ra vào cảng không để xảy ra ùn ứ giao thông.

“Cơ bản các địa phương triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, các phương tiện được cấp mã nhận diện “luồng xanh” QR đã tạo điều kiện cho các cơ quan kiểm dịch nhận diện từ xa, để điều tiết và bố trí luồng xanh riêng để cho các phương tiện lưu thông thuận lợi qua chốt”, ông Trần Thanh Nam cho biết.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Tổng cục đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nội dung hướng dẫn xây dựng “luồng xanh” vận tải để ưu tiên phục vụ cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24h tại các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.

“UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục có các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các phương tiện lưu thông trên “luồng xanh”. Trong đó, chỉ kiểm tra xác suất đối với các phương tiện chở hàng thiết yếu, hàng dễ hư hỏng có dán thẻ nhận diện theo quy định”, ông Nguyễn Văn Huyện đề nghị.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương sử dụng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc để thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, tạo thuận lợi cho các phương tiện di chuyển trên “luồng xanh”.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về việc triển khai “luồng xanh” vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, qua báo cáo của các hiệp hội vận tải ô tô địa phương cho thấy đều ghi nhận sự tích cực của  “luồng xanh” vận tải hàng hóa. Chính việc công bố “luồng xanh” vận tải hàng hóa và việc giảm bớt các thủ tục kiểm tra đã giúp doanh nghiệp vận tải, lái xe không bị lúng túng  khi vận chuyển hàng hóa vào vùng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch  COVID-19.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, để tạo thuận lợi cho “luồng xanh” vận tải được thuận lợi hơn nữa các cơ quan chức năng cần bổ  sung, thay đổi một  số quy trình. Ví dụ như lái xe phản ánh tờ khai tại các chốt kiểm tra chữ hơi bé cần in to hơn, thông tin trong tờ khai thể hiện rõ nơi đi, nơi đến.

Mặt khác về thủ tục kiểm tra, các cơ quan chức năng nghiên cứu chỉ nên kiểm y tế lái xe ở điểm đi hoặc cả điểm đi, điểm đến nhưng nhất thiết nên hạn chế các điểm kiểm tra trên đường  để phòng  lây, lan dịch. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho lái xe vận chuyển hàng hóa nhanh hơn.

Cũng theo phản  ánh của ông Nguyễn Văn Quyền, hiện kinh phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe vẫn do các doanh nghiệp vận tải chi trả. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại quy định số tiền khác nhau, dao động từ 280.000-400.000 đồng/xét nghiệm gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì vậy đề nghị thống nhất khoản tiền này cũng như có chính sách  hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, lái xe về khoản kinh phí này.

Cũng liên quan đến “luồng xanh” vận  tải hàng hóa, tại khu vực phía Bắc, lý giải về việc ùn tắc tại cửa ngõ vào thành phố những ngày qua, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cho hay, nguyên nhân là do khi ban hành quy định phân loại, nhiều phương tiện từ các tỉnh về nên chưa nắm bắt được quy định. Lực lượng chức năng phải dừng phương tiện để kiểm tra và cấp phù hiệu phù hợp.

Trước diễn biến giao thông phức tạp đến Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông  Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Sở Giao thông Vận tải địa phương phải khẩn trương thông báo các quy định trong hoạt động vận tải đi/đến Hải Phòng cho Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; đồng thời, tổ chức tuyên truyền tới các doanh nghiệp vận tải, các lái xe có lộ trình đi đến Hải Phòng biết và chấp hành.

“Thành phố Hải Phòng cũng cần lập “luồng xanh” của địa phương, đấu nối với “luồng xanh” quốc gia đã được công bố, triển khai ngay hệ thống phần mềm quản lý, cấp mã QR code nhận diện phương tiện hàng hóa để tạo mọi điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp và lái xe lưu thông nhanh nhất trong mùa dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo./.

>>Không áp dụng giấy xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe chở hàng hóa trong trường hợp nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục