Lý do của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu hiện nay

05:30' - 07/05/2021
BNEWS Sự thiếu hụt chip trên thế giới đang ở mức khủng hoảng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung ô tô, tivi, máy ảnh, điện thoại thông minh, thiết bị 5G và máy chơi game.

Các chuyên gia dự đoán tình hình sẽ tiếp tục xấu đi cho đến ít nhất tháng Sáu năm nay và sẽ chỉ quay lại mức bình thường vào quý II/2022. 

Hiện Đài Loan (Trung Quốc) là nơi đặt các nhà máy sản xuất chip của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và United Microelectronic Corp (UMC), nơi sản xuất hơn 40% bộ vi xử lý trên thế giới.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoints Research, TSMC thống trị thị trường chip thế giới với 28% thị phần và các tập đoàn toàn cầu Apple, Qualcomm, Nvidia, Broadcom và AMD là những khách hàng lớn nhất của công ty này.

Mới đây, trả lời nhật báo The Australian của Australia, nhà phân tích về thị trường chất bán dẫn Ben Lee đến từ công ty nghiên cứu Gartner có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) đã nêu ra một loạt lý do cho sự thiếu hụt chip hiện nay.

Lý do thứ nhất là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei, ZTE và công ty quốc tế sản xuất bán dẫn Thượng Hải (SMIC) vào danh sách đen các công ty bị cấm giao dịch với Mỹ. Huawei thậm chí còn bị cấm nhận chip của mình từ SMIC.

Trong khoảng thời gian từ khi thông báo đến khi lệnh cấm có hiệu lực, Huawei đã tung tiền mua chip để tích trữ. Ông Lee ước tính Huawei có thể đã mua tới 5 tỷ con chip, tương đương khoảng nửa năm nguồn cung.

Lý do thứ hai là nhằm tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác như Xiaomi và Oppo cũng tăng cường tích trữ chip do TSMC sản xuất.

Các công ty này cần chip do phương Tây sản xuất vì nhà máy sản xuất chip SMIC của Trung Quốc chưa thể sản xuất chip tiên tiến 5 nanomet như TSMC, Samsung và ở một mức độ nào đó là Intel, mặc dù Trung Quốc được cho là đã đầu tư tới 9 tỷ USD để có thể bắt kịp các nhà máy này.

Thêm vào đó, trong quý IV/2020, các công ty sản xuất ô tô bắt đầu cạn kiệt chip, song song với việc các nhà máy và dây chuyền lắp ráp cắt giảm chi tiêu và giảm năng lực sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Lee cho biết, các nhà sản xuất ô tô đã sử dụng các chip loại cũ và dự báo doanh số bán xe sẽ giảm do đại dịch. Vào đầu năm 2020, các công ty này đã giảm lượng chip tồn kho và công suất sản xuất chip cho ngành công nghiệp ô tô ngay lập tức đã bị các ngành công nghiệp khác thế chỗ.

Peter Griffin, người ngôn viên của Phòng Công nghiệp Ô tô Liên bang Australia, cho biết hầu hết các loại ô tô mới hiện đại sử dụng từ 50 đến 200 chip, nhưng ô tô hybrid và điện cần tới 3.500 chip.

Tình hình hạn hán là một yếu tố khác ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip ở Đài Loan (Trung Quốc). Theo ông Lee, sản xuất chất bán dẫn cần sự tham gia của rất nhiều nước. TSMC được biết sử dụng tới 150.000 tấn nước mỗi ngày. Điều này khiến Đài Loan (Trung Quốc) trải qua đợt hạn hán chưa từng có kể từ tháng 1/2021 và ảnh hưởng đến nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, bất ổn trong khu vực cũng là lý do dẫn tới tình trạng thiếu hụt chip.

Cũng theo ASPI, việc để mất nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới và công nghệ của nhà máy này cho Trung Quốc sẽ là một thảm họa đối với phương Tây, kể cả về mặt quân sự, và đây là lý do Mỹ có thể mạnh tay bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc). Hoạt động của TSMC cũng phụ thuộc vào phần mềm và máy móc do Mỹ sản xuất, vì vậy Trung Quốc cũng có nhiều điều để mất.

Trong khi đó, Đài Bắc đã cấm công nhân đang làm việc tại các xưởng sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) chuyển sang làm việc tại các xưởng của Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đã tìm cách thu hút hàng trăm công nhân Đài Loan (Trung Quốc) thông qua việc đưa ra mức lương cao, nhằm bắt kịp phương Tây trong lĩnh vực sản xuất chip và các ngành công nghiệp khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục