Lý do khiến Trung Quốc chi phối lĩnh vực điện gió

06:30' - 28/11/2022
BNEWS Các doanh nghiệp điện gió ở phương Tây đang đối mặt với nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ từ Trung Quốc.

Bài viết của tác giả Federico Rampini, đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy), phân tích thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp điện gió ở các nước phương Tây trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ từ Trung Quốc.

Với nhu cầu rất lớn về năng lượng tái tạo, tại sao ngành công nghiệp cánh quạt và tua-bin gió của phương Tây lại thua lỗ nặng nề và buộc phải thu hẹp hoạt động? Lời giải thích quen thuộc là trong khi bộ máy quan liêu của châu Âu cản trở mọi vận động thì Trung Quốc đang bắt đầu chiếm lĩnh cả ngành công nghiệp này. Châu Âu lại đang chứng kiến sự tái hiện của một bộ phim từng được trình chiếu gắn với các tấm quang điện và pin ô tô điện.

Châu Âu đang nhanh chóng trượt dài từ sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga sang sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Lời cảnh báo này được đưa ra ngay trong một báo cáo của tập đoàn Siemens Energy (Đức).

Thông qua chi nhánh Gamesa tại Tây Ban Nha, Siemens Energy là một trong những nhà sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực điện tái tạo. Báo cáo trên đây nêu rõ: “Có khả năng thực tế là quá trình chuyển đổi năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được quản lý ở Trung Quốc”.

Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ các nước thành viên EU đang chờ đợi điều gì để phản ứng nhằm cứu sản phẩm quốc gia trước khi quá muộn, như chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang làm ở Mỹ?

Tình hình hoạt động của các công ty sản xuất cánh quạt và tua-bin gió thực sự tồi tệ. Siemens Gamesa Renewable Energy, có trụ sở tại Madrid, là một trong những công ty hàng đầu châu Âu về năng lượng gió ngoài khơi, tua-bin và cánh quạt được lắp đặt trên biển. Công ty này vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm mới nhất: lỗ 940 triệu euro (978 triệu USD).

Trong bối cảnh đó, công ty đã thông báo sẽ phải sa thải 2.900 nhân viên, tức là hơn 1/10 lực lượng lao động công ty hiện có. "Gã khổng lồ" của Mỹ trong lĩnh vực tua-bin gió và cánh quạt, General Electric, thậm chí còn thua lỗ nhiều hơn: 2 tỷ USD hàng năm cho công ty con chuyên biệt. Công ty hàng đầu thế giới về tua-bin gió, Vestas Wind System, cũng đang hoạt động không mấy sáng sủa hơn, với khoản lỗ 147 triệu euro trong một quý.

Nhà báo Stanley Reed của tờ New York Times đã tiến hành phỏng vấn giám đốc điều hành của hai công ty được đề cập và đã nhận lại những lời than thở tương tự nhau. “Chúng tôi thiệt hại 8% chi phí sản xuất mỗi khi bán được một tua-bin gió”, người đứng đầu Vestas Henrik Andersen cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Siemens Gamesa là Jochen Eickholt cho rằng các công ty cần có lợi nhuận để cấp cho các khoản đầu tư, mở rộng các trang trại gió lớn mạnh hơn, “nhưng trong giai đoạn hiện nay chúng tôi đang thua lỗ”.

Lời giải thích của các nhà công nghiệp chạm đến những khía cạnh quen thuộc. Ở châu Âu, cũng như ở Mỹ, người ta nói về việc chống biến đổi khí hậu, nhưng nhiều dự án mới cho các trang trại gió lại bị trì hoãn do vô số vướng mắc hành chính, sự phản đối ở cấp địa phương và vấn đề bảo vệ cảnh quan.

Một bất lợi khác được nêu ra là các khoản phụ phí mới trên lợi nhuận tăng thêm, cũng gây ảnh hưởng đến những người sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Những khoản thuế đó sẽ ăn vào lợi nhuận - nếu có - mà các công ty lẽ ra phải sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư mới.

Và rồi Trung Quốc xuất hiện. Theo một kịch bản đã biết như trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và ô tô điện, Trung Quốc bắt đầu với việc chinh phục vai trò thống trị các bộ phận thiết yếu để sản xuất tua-bin gió và cánh quạt. Ngày nay 70% các bộ phận do các nhà sản xuất tua-bin châu Âu lắp ráp đều là sản phẩm “Made in China”.

Giai đoạn tiếp theo chứng kiến những "gã khổng lồ" Trung Quốc sản xuất toàn bộ cánh quạt và tua-bin gió thâm nhập thị trường châu Âu với việc mang đến những nguồn cung với giá cực kỳ hấp dẫn. Thường có sự cạnh tranh không lành mạnh ẩn giấu phía sau, bởi trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc dành cho sản phẩm nội địa đã cho phép duy trì xuất khẩu với giá thành thấp.

Nếu kịch bản diễn ra tương tự trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời, một số ông lớn châu Âu chấp nhận thất bại và hoàn toàn đầu hàng trước Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nguy cơ châu Âu đánh mất quyền kiểm soát tương lai năng lượng thêm một lần nữa.

EU sẽ phản ứng như thế nào trước nguy cơ này? Hiện tại thì EU đang tranh cãi với Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) đã nhắm tới Đạo luật Giảm Lạm phát, một đạo luật mới được chính quyền của ông Joe Biden đề xuất và được Quốc hội Mỹ thông qua. Bất chấp tên gọi như vậy, thay vì mục đích chống lạm phát, đạo luật này được sử dụng để tài trợ cho quá trình chuyển đổi “xanh”.

Với ngân sách trị giá 370 tỷ USD, đây là khoản tài trợ hào phóng cho năng lượng tái tạo. Điều kiện đặt ra là các nhà sản xuất là người Mỹ hoặc có nhà máy đặt trên lãnh thổ Mỹ. Tóm lại, Tổng thống Biden đang sử dụng các phương pháp của Trung Quốc để chống lại Trung Quốc, dựa trên trợ cấp và chủ nghĩa bảo hộ.

Hiện tại, EC dường như đang phẫn nộ vì những ưu đãi của Mỹ có nguy cơ thu hút các doanh nghiệp châu Âu dịch chuyển đến Mỹ và tận hưởng cơn mưa tiền từ công quỹ. Đáng ra, việc theo dõi và phản ứng trước bước tiến của Trung Quốc phải trở nên cấp bách hơn trước khi quá muộn. Nếu sản phẩm của Trung Quốc bị bán phá giá nhờ có viện trợ của nhà nước, thì thuế đối kháng do châu Âu áp dụng là một biện pháp đối phó hoàn toàn hợp pháp.

Tất nhiên, cần đảm bảo rằng các nhà sản xuất nội địa có thể thay thế các đối thủ Trung Quốc cả về linh kiện và càng sớm càng tốt. Ngược lại, nếu không có sản phẩm thay thế phù hợp từ châu Âu thì các rào cản chống sản phẩm Trung Quốc chỉ đẩy giá thành tăng cao, đồng thời làm chậm quá trình sản xuất cánh quạt gió và tua-bin.

Đây chính là bài học của các con rồng châu Á mà lẽ ra châu Âu nên rút kinh nghiệm được từ nhiều thập kỷ qua: cách thức nuôi dưỡng và tôi rèn các doanh nghiệp nội địa vươn đến tầm thế giới. Hiện còn tồn tại những ý kiến phản đối việc khám phá lại chính sách công nghiệp này với lập luận cho rằng các chính trị gia và quan chức thường không phải là những người phù hợp nhất để lựa chọn chính xác đâu là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và cạnh tranh.

Nước Mỹ cũng từng trải qua những vụ bê bối về chính sách công nghiệp, như trường hợp công ty năng lượng Mặt Trời Solyndra phá sản vào năm 2011 sau khi nuốt trọn 535 triệu USD từ tiền thuế của người dân (Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận những sai sót nghiêm trọng trong việc quản lý khoản trợ cấp đó).

Lập luận để phản bác những ý kiến này nằm ở việc tất cả những điều thần kỳ về kinh tế của Viễn Đông đều gắn với các chính sách công nghiệp hiệu quả. Mặt khác, nếu giải pháp thay thế chỉ là việc dành chi tiêu cho hỗ trợ, tức là phân phối đến người dân một lượng của cải bấp bênh và ít ỏi, thì tốt hơn hết là nên sử dụng các nguồn lực công để hỗ trợ những nhân tố có khả năng tạo ra của cải, chính là các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục