Lý do kho dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2008

05:30' - 13/10/2022
BNEWS Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc là do các cơ quan quản lý đã ưu tiên làm chậm xu hướng giảm giá mạnh của đồng won Hàn Quốc so với đồng USD trong tháng Chín vừa qua.

Theo nhận định của tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times), việc dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã làm tăng thêm lo ngại về một trường hợp khẩn cấp kinh tế khác giữa bối cảnh các chỉ số kinh tế của nước này đang xấu đi.

Số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 6/10 cho thấy dự trữ ngoại hối của "xứ Kim chi" đã giảm từ mức 436,43 tỷ USD trong tháng 8/2022 xuống 416,77 tỷ USD trong tháng 9/2022. Đây là mức giảm mạnh nhất trong các tháng kể từ tháng 10/2008 (tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), khi dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục 27,42 tỷ USD.
BoK cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc là do các cơ quan quản lý đã ưu tiên làm chậm xu hướng giảm giá mạnh của đồng won Hàn Quốc so với đồng USD trong tháng Chín vừa qua. BoK cũng giải thích rằng sự sụt giảm cũng được cho là do giá trị quy đổi của các tài sản không phải USD giảm vì đồng bạc xanh tiếp tục mạnh lên.
Cho đến thời điểm hiện tại, đồng nội tệ của Hàn Quốc (đồng won) đã giảm giá trị khoảng 16% so với đồng USD và phá vỡ mức thấp nhất trong 13 năm 6 tháng là 1.440 won đổi 1 USD tại một thời điểm giao dịch vào ngày 28/9 vừa qua. Tuy nhiên, BoK lại bác bỏ lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác và tin rằng dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc hiện vẫn đủ để đối phó với mọi bất ổn về tài chính.
Phát biểu với báo giới mới đây, Oh Kum-hwa, quan chức cấp cao của BoK nhấn mạnh rằng: "BoK cho rằng dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc vẫn đủ" và lưu ý rằng trong tháng 8/2022, Hàn Quốc vẫn xếp thứ 8 về quy mô dự trữ ngoại hối của các quốc gia.
Trung Quốc hiện đứng đầu bảng xếp hạng với dự trữ ngoại hối trị giá 3.050 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 1.290 tỷ USD, Thụy Sỹ với 949,1 tỷ USD, Nga với 565,7 tỷ USD, Ấn Độ với 560,4 tỷ USD, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với 545,5 tỷ USD và Saudi Arabia với 456,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, tất cả 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng đầu (trừ Nhật Bản) đều đang chứng kiến sự sụt giảm về dự trữ ngoại hối trong khoảng thời gian từ tháng 7-8/2022. Dự trữ của Trung Quốc giảm 49,2 tỷ USD, trong khi của Thụy Sỹ giảm 10,7 tỷ USD, của Nga giảm 11,2 tỷ USD, Ấn Độ giảm 13,9 tỷ USD, Đài Loan giảm 2,3 tỷ USD, Saudi Arabia giảm 6,6 tỷ USD và Hàn Quốc giảm 2,2 tỷ USD.
Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm trung bình 4,77 tỷ USD/tháng trong những tháng gần đây. Trong khi đó, mức giảm hàng tháng ở thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008-2009 là từ 7-8 tỷ USD/tháng. Do đó, ông Oh Kum-hwa nói thêm: "Không hoàn toàn phù hợp khi mô tả các điều kiện kinh tế hiện tại giống như một cuộc khủng hoảng tài chính".

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế chỉ ra rằng tốc độ sụt giảm dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc có thể đáng lo ngại khi cùng với việc tỷ giá đồng USD tăng vọt, thâm hụt thương mại và các yếu tố khác sẽ buộc các cơ quan chức năng sở tại phải mở kho dự trữ để ổn định thị trường tiền tệ.
Giáo sư kinh tế Kim Jung-sik của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho biết: "Chúng ta không thể chắc chắn rằng đồng USD sẽ mạnh lên bao nhiêu", trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu một phần đáng kể cổ phiếu của Hàn Quốc và việc họ rời đi trong bối cảnh đồng USD mạnh liên tục có thể tàn phá thị trường tiền tệ.
Giáo sư Kim Jung-sik cũng đánh giá rằng thâm hụt thương mại của Hàn Quốc trong tháng 9/2022 vẫn ở "mức đỏ" trong tháng thứ 6 liên tiếp có thể làm suy yếu nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc chủ yếu vào thương mại và giáng một đòn mạnh vào thị trường tài chính nói chung.
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Woo Seok-jin của Đại học Myongji (Hàn Quốc) cho rằng sự sụt giảm dự trữ ngoại hối có thể là một vấn đề vì điều đó có thể được hiểu là "kho tiền của quốc gia trở nên trống rỗng vào thời điểm nợ quốc gia và thâm hụt tài khóa ngày càng tăng".
Nợ quốc gia của Hàn Quốc được dự đoán sẽ vượt 1 triệu tỷ won sau khi nước này công bố thâm hụt tài chính trong ba năm liên tiếp kéo dài đến năm 2021.
Giáo sư Woo Seok-jin nói thêm: "Nợ quốc gia của Hàn Quốc được cho là ở mức có thể chống chịu được trong thời điểm hiện tại nhưng có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong dài hạn, bởi nợ vẫn đang tiếp tục tăng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục