Lý do kinh tế Hàn Quốc vẫn tiếp tục đà suy thoái trong nửa cuối năm 2022

14:36' - 28/07/2022
BNEWS Theo nhận định của tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) số ra ngày 27/7, nền kinh tế "xứ Kim Chi" đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II/2022 nhờ vào gia tăng chi tiêu tư nhân.

Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu (vốn được xem là động lực chính cho tăng trưởng của Hàn Quốc) đã phải chịu một bước thụt lùi lớn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, dẫn đến lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ tiếp tục suy thoái trong nửa cuối năm 2022.

 

Trong báo cáo sơ bộ công bố ngày 26/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II của nước này đã tăng 0,7% so với quý I.

Đây cũng là mức tăng trưởng hàng quý thứ 8 liên tiếp của kinh tế Hàn Quốc kể từ quý III/2020 với mức tăng 2,3%. Trên cơ sở hàng năm, GDP của nước này trong quý II/2022 đã tăng 2,9%.

Theo BoK, tăng trưởng GDP chỉ được thúc đẩy bởi sự gia tăng tạm thời trong chi tiêu của người tiêu dùng sau khi Chính phủ Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Chi tiêu đã tăng 3%, mức tăng cao nhất kể từ quý II/2021 và đánh dấu sự thay đổi so với mức giảm 0,5% của quý I vừa qua.

Tuy nhiên, cả xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất đều giảm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2022. Các lô hàng xuất khẩu giảm 3,1% theo quý trong khi đầu tư cơ sở vật chất giảm 1%.

Nếu xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục giảm tốc, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế "xứ Kim Chi" vốn phụ thuộc vào thương mại sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm vốn đã giảm xuống mức 2% gần đây do những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng.

Họ cũng cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có thể chứng kiến sự sụt giảm lượng xuất khẩu hàng năm trong năm 2022 trong trường hợp xấu nhất, đồng thời lưu ý rằng sự suy giảm đang diễn ra (bắt nguồn từ tăng trưởng trì trệ ở Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn) vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai gần.

Joo Won, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Hyundai (Hàn Quốc) cho biết: “Tốc độ tăng trưởng tổng thể của xuất khẩu trong năm 2022 có thể giảm xuống mức âm nếu tình hình bất lợi tiếp diễn”.

Điều đáng quan tâm là triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là đầu tàu duy nhất cho tăng trưởng trong quý II/2022, vẫn còn âm u khi giá cả tăng cao đè nặng lên các hộ gia đình và biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh.

BoK suy đoán sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 và lạm phát hoành hành có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc mặc dù nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 2,7%.

Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố ngày 26/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Hàn Quốc từ mức 2,5% (của tháng 4) xuống còn 2,3%. IMF cũng giảm triển vọng kinh tế đối với Hàn Quốc vào năm 2023 từ mức 2,9% trước đó xuống còn 2,1%.

Trong bối cảnh đó, Lee Sang-ho, Trưởng nhóm chính sách kinh tế tại Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), vẫn thận trọng về khả năng Hàn Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các rủi ro toàn cầu khác do cuộc xung đột quân sự ở Ukraine gây ra đã và đang làm suy yếu các nền kinh tế đối tác thương mại của Hàn Quốc.

Ông nói: “Xuất khẩu có mối liên hệ chặt chẽ với tình hình kinh tế của các đối tác đó và chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn liệu nền kinh tế Hàn Quốc  có phát triển như kế hoạch hay không, trừ khi các đối tác của chúng ta làm tốt nhiệm vụ của họ”.

Hàn Quốc được dự đoán sẽ phải chịu thâm hụt thương mại tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 7/2022. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, thâm hụt thương mại của nước này đạt tổng cộng 2,47 tỷ USD trong tháng 4; 1,61 tỷ USD trong tháng 5; 2,57 tỷ USD trong tháng 6 và 8,12 tỷ USD từ ngày 1 đến 20/7 vừa qua.

Kết quả hoạt động “mờ nhạt” này diễn ra khi Trung Quốc, điểm đến của hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, đang phải vật lộn với sự lây lan COVID-19 tồi tệ nhất trong quý II/2022.

Theo đó, Trung Quốc cũng chỉ đạt mức tăng trưởng GDP quý II là 0,4% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 1% và cũng là mức thấp nhất kể từ quý I của năm 2020 khi nền kinh tế nước này ghi nhận suy giảm kinh tế lên tới 6,8%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục