Lý do lạm phát tại Italy thấp hơn các nước châu Âu

09:00' - 03/04/2024
BNEWS Hoạt động kinh tế của Italy đã giảm tốc đáng kể so với tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2021-2022, thời điểm ngay sau đại dịch COVID-19.
Theo mạng tin Euronews, hoạt động kinh tế của Italy đã giảm tốc đáng kể so với tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2021-2022, thời điểm ngay sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, sự giảm tốc đó chỉ vừa đủ để giảm bớt lạm phát một cách hiệu quả, mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Về cơ bản, nền kinh tế Italy đã đạt được sự cân bằng mong manh, điều mà các ngân hàng trung ương đã hướng tới từ lâu, khi đối phó với áp lực giá cao.

 
Theo dữ liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (Istat), tỷ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm của nước này ở mức 1,3% trong tháng 3/2024, cao hơn so với mức tăng 0,8% trong hai tháng đầu năm, nhưng thấp hơn dự báo 1,4% trước đó. Tỷ lệ lạm phát tháng Ba chỉ tăng 0,1% so với tháng Hai và cũng thấp hơn mức dự báo 0,2%.

Sự gia tăng lạm phát chỉ ở mức nhẹ có thể là do giá năng lượng giảm (giảm 10,8% trong tháng Ba so với mức giảm 17,3% trong tháng Hai) và giá dịch vụ vận tải tăng (4,4% so với 3,8%).

Lạm phát lõi (không tính năng lượng và thực phẩm tươi sống) tăng từ 2,3% lên 2,4%. Mức tăng giá các sản phẩm thực phẩm chưa qua chế biến cũng giảm trong tháng Ba, giảm xuống 2,6% từ mức 4,4%, mức tăng giá thuốc lá cũng giảm từ 2,6% xuống 1,9%.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Italy đã giảm hơn 10% kể từ khi đạt mức cao nhất trong bốn thập kỷ vào tháng 10/2022, khi đạt đỉnh 11,8% và vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Khu vực đồng euro (Eurozone) là 2,6% trong tháng 2/2024 và dự kiến giảm xuống 2,5% trong tháng 3/2024.

* Tại sao lạm phát tại Italy lại giảm nhiều như vậy?

Bên cạnh những cải thiện về các yếu tố phía cung đang tác động đến lạm phát, chẳng hạn như giá năng lượng giảm đáng kể, áp lực lạm phát tại Italy cũng giảm bớt do những ảnh hưởng từ phía cầu.

Về cơ bản, chính sách tiền tệ đã có tác động hiệu quả đến nền kinh tế Italy trong những năm gần đây. Lãi suất tăng cao do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra đã ngăn cản các doanh nghiệp và hộ gia đình đi vay tiền, từ đó hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả.

Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng Italy (ABI), tổng các khoản cho vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn tiếp tục giảm và giảm thêm 2,6% trong tháng Một và 2,7% trong tháng 2/2024.

* Dự báo lạm phát của Italy

Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), lạm phát của Italy được dự đoán ở mức 2 % trong năm 2024 và 2,3% vào năm 2025, do mức lương dự kiến tăng, đặc biệt là trong khu vực công.

Ông Paolo Mameli, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Banca IMI, cho biết: “Lạm phát được dự đoán sẽ vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của Khu vực đồng euro”. Ông Mameli giải thích rằng lạm phát cơ bản tại Italy luôn thấp hơn so với mức trung bình của Khu vực đồng euro trong 2 năm qua và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục do quỹ đạo tăng lương bị hạn chế. Nhìn chung, lạm phát chung ở Italy sẽ tăng nhẹ và vẫn bám sát ngưỡng trung bình 2% trong cả năm 2024 và 2025.

Điều quan trọng nhất là việc giảm lạm phát tại Italy không đi kèm với suy thoái kinh tế hay điều kiện việc làm xấu đi.

* Kinh tế Italy đã “hạ cánh mềm” một cách hiệu quả

Vào tháng 2/2024, các cuộc khảo sát về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Italy cho thấy dấu hiệu mở rộng, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 tháng.

Tiến sĩ Tariq Kamal Chaudhry, nhà kinh tế tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, đã ghi nhận khả năng phục hồi của ngành dịch vụ Italy, nhấn mạnh vào “sự tăng trưởng ổn định” trong số lượng đơn đặt hàng mới và “sự thúc đẩy nhẹ” từ nước ngoài, dẫn đến “tình hình việc làm mạnh mẽ”.

Dữ liệu thị trường lao động mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Italy chạm mức thấp nhất trong 16 năm, ở mức 7,2% vào tháng 1/2024. Bà Eleanor Dennison, nhà kinh tế học tại S&P Global Market Intelligence, nhấn mạnh tâm lý được cải thiện của các công ty thuộc khu vực tư nhân Italy, với những dự báo tích cực hơn về “đầu tư, việc làm và lợi nhuận” ở nhiều ngành khác nhau.

Chuyên gia Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao Khu vực đồng tiền chung châu Âu tại tập đoàn ING, chỉ ra tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn ở Đức và Hà Lan so với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Italy, đồng thời bày tỏ sự lạc quan đối với các công ty công nghiệp ở các nước Nam Âu.

Nhìn chung, kinh tế Italy đã thực hiện “cú hạ cánh nhẹ nhàng” thành công một cách suôn sẻ, xử lý hiệu quả mức tăng trưởng vừa phải và kiểm soát lạm phát. Trong tương lai, điều quan trọng là phải theo dõi tác động của việc cắt giảm lãi suất tiềm năng trong những tháng sắp tới của năm nay và cách thức nền kinh tế toàn cầu hoạt động theo mô hình lạm phát của Italy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục