Lý do sửa đổi 5 luật thuế

15:53' - 12/09/2017
BNEWS Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế" các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Bộ Tài chính cùng một lúc đưa cả 5 luật thuế trong dự án sửa đổi là cần thiết và ý nghĩa.


Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12/9, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc Bộ Tài chính cùng một lúc đưa cả 5 luật thuế ( Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên) trong dự án sửa đổi là cần thiết và ý nghĩa.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế". Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu tài chính công (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính), việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế nhằm mục tiêu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo sự đồng bộ trong chính sách pháp luật, khuyến khích và định hướng sản xuất tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, việc Bộ Tài chính đưa cả 5 luật thuế trong dự án sửa đổi lần này là cần thiết và ý nghĩa. Bởi, cả 5 luật thuế dự định sửa đổi đều là những sắc thuế đóng vai trò trụ cột, then chốt trong thuế và phí; giúp giải bài toán quan trọng là cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước.
Đánh giá về việc Việt Nam đang cắt giảm nhiều loại thuế trực thu và tăng thuế gián thu; trong đó có thuế giá trị gia tăng, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, tác động lên nguồn thuế trực thu thì cũng sẽ tác động đến nguồn thuế gián thu. Đó là kết quả của việc nước ta mở cửa thị trường và chịu tác động của các cam kết quốc tế. Việc giảm thuế xuất khẩu và nhập khẩu không chỉ tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, mà còn giúp hàng hóa của các doanh nghiệp Việt được xuất đi nước ngoài.
Theo ông Vũ Đình Ánh, "đối với nguồn tổng thu thuế phí, chúng ta có nhiều mục tiêu nhưng cần điều chỉnh quy mô từng ngành vào ngân sách nhà nước, điều chỉnh cơ cấu dựa trên nội dung Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

Lần này, chúng ta điều chỉnh hai sắc thuế trực thu là thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cần chú ý để không tác động đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và các hộ gia đình."
Đối với tác động đến thuế gián thu, theo chuyên gia có nhiều cách để lựa chọn để điều chỉnh quy mô và cơ cấu. Thứ nhất, hoàn toàn căn cứ vào Nghị quyết Bộ Chính trị, mở rộng đối tượng chịu thuế, diện thu thuế. Trong dự thảo lần này có đề cập đến thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân, thậm chí là thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, giảm ưu đãi, hỗ trợ không cần thiết, trong bối cảnh ở Việt Nam đang rà soát ưu đãi thực sự để giảm bớt những không cần thiết. Thứ ba, chống thất thu, phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm về thuế.
Về việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng thời điểm này có hợp lý hay không, ông Vũ Đình Ánh cho biết, căn cứ vào thông tin của đại diện Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ cơ sở để nhận xét đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, thuế suất thuế ưu đãi 5% lên 6% phù hợp hay không.
Theo ông Vũ Đình Ánh, trong điều chỉnh thuế có nhiều cách để làm nhưng trước hết phải đánh giá tác động chính sách một cách kĩ lượng đến từng nhóm dân cư, nhóm thu nhập. Sau đó mới là đánh giá tác động tới quy mô ngân sách vì thuế phí là khoản thu quan trọng, đóng góp gần 30% thuế phí vào ngân sách nhà nước. Khi đáp ứng được những điều này mới có câu trả lời điều chỉnh thuế hợp lý hay không.
Hiện Bộ Tài chính cho biết đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên. Dự thảo sửa đổi, bổ sung dự kiện trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018./.

Đề xuất nhiều mức giảm thu về xử lý tài sản bảo đảm
Giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 đợt 2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục