Lý giải nguyên nhân chậm triển khai thu phí không dừng

13:51' - 06/07/2016
BNEWS Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lý giải nguyên nhân chậm triển khai công nghệ thu phí không dừng tại 28 trạm thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lý giải nguyên nhân chậm triển khai thu phí không dừng. Ảnh: TTXVN

Về nguyên nhân chậm triển khai công nghệ thu phí không dừng tại 28 trạm thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, ngày 6/7, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lý giải, như kế hoạch hết tháng 6/2016, các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ bắt đầu có hai làn dành cho các phương tiện nộp phí không dừng (ETC).

Tuy nhiên, do vướng thủ tục pháp lý, cụ thể là đang phải chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp nên thời gian thực hiện công nghệ này bị chậm hơn so với kế hoạch.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, khả năng trong tuần này Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp giấy phép đầu tư cho liên doanh Công ty Cổ phần TASCO-Công ty cổ phần VETC (liên danh TASCO-VETC) - nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí ETC.

“Ngay sau khi nhà đầu tư được cấp phép giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo triển khai ngay các công việc còn lại để trong tháng 7 này sẽ áp dụng công nghệ thu phí ETC tại 28 trạm thu phí trên toàn quốc”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Đại diện Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến thời điểm này tất cả 28 nhà đầu tư BOT trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã ký hợp đồng về việc triển khai công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí với nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí ETC (liên danh TASCO-VETC).

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện tại liên doanh TASCO-VETC đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư của 28 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để sớm hoàn tất các công việc như lắp đặt thiết bị, chạy thử, đào tạo nhân lực...

Tổng mức đầu tư và tổng vốn của dự án thu phí tự động không dừng (ETC) là 1.524 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh). Thời gian sở hữu và kinh doanh dự kiến 20 năm, thời gian kinh doanh chính thức được xác định trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng dự án..

Theo Bộ Giao thông Vận tải, ngay trong năm 2016, phấn đấu tất cả các trạm thu phí trên cả nước ít nhất mỗi trạm có một cửa không dừng và đến cuối năm 2018 phải lắp đặt xong toàn bộ. Đến năm 2020 tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ phải chuyển sang công nghệ thu phí tự động ETC.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, công nghệ thu phí ETC và kiểm soát tải trọng xe được đưa vào sử dụng cho các tuyến đường bộ sẽ phát huy các lợi ích về kinh tế-xã hội. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của phương tiện 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ này cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường; giảm thời gian dừng xe và tăng tốc trở lại nên tăng tuổi thọ động cơ; giúp kiểm soát tải trọng xe quá tải qua đó tiết kiệm được chi phí sửa chữa; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần vào thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt.

Đặc biệt, thông qua hệ thống thu phí tự động không dừng có thể giúp cho nhà nước quản lý được các phương tiện tham giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại như quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe bị mất trộm hoặc phục vụ điều tra của cơ quan chức năng…/.

>>> Thu phí không dừng: Có thay đổi phương án tài chính các dự án BOT?

>>> 9 nhà đầu tư BOT chưa chịu tham gia thu phí không dừng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục