Lý giải nguyên nhân FECON báo lỗ trong quý đầu năm 2022

17:44' - 07/05/2022
BNEWS Trong quý I/2022, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của FECON đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính mới nhất vừa được công bố, trong quý I/2022, Công ty cổ phần FECON (Mã chứng khoán: FCN) sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.

Theo đó, 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ mang lại cho FECON gần 502 tỷ đồng, giảm hơn 78 tỷ đồng (tương đương giảm 13,5%) so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận hợp nhất của FECON vì thế cũng giảm hơn 16%, tương đương giảm gần 17 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của hợp nhất lỗ khoảng 6,7 tỷ đồng so với mức lãi hơn 17,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân được FECON đưa ra là do trong quý 1/2022 tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến ban đầu, ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công, doanh thu và lợi nhuận gộp bị giảm.

Trước đó, kết thúc năm 2021, bức tranh tài chính của FECON dù “sáng sủa” hơn năm 2020. Song, mục tiêu doanh thu cũng không đạt được như kỳ vọng đặt ra khi doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước nhưng chỉ đạt 89% kế hoạch năm.

Nguyên nhân được FECON chỉ ra đến từ 2 lý do khách quan là đại dịch COVID-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng.

Nhiều dự án chậm triển khai như Dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2…đặc biệt là Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021.

Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.

Được biết, năm 2022, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất đặt ra là 280 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2022 được xác định tới từ các dự án như: Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát giai đoạn 2, sân bay Long Thành, Nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4 (xử lý nền); Nhiệt điện Vũng Áng giai đoạn 2 (đóng cọc, san nền và dự kiến thêm 500 tỷ đồng xây lắp).

Về lĩnh vực giao thông là dự án hầm chui Lê Văn Lương và đường sắt đô thị số 3 Hà Nội. Đơn vị này cũng đang “tham vọng” chuyển từ nhà thầu chuyên môn sang nhà thầu chính, tham gia với vai trò tổng thầu 1 - 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục