Lý Sơn cung ứng tỏi chế biến nước mắm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn

15:51' - 01/07/2023
BNEWS Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) ký kết cung ứng dài hạn Tỏi Lý Sơn với các đối tác để ra mắt sản phẩm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn.

Ngày 1/7/2023, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) ký kết cung ứng dài hạn Tỏi Lý Sơn với các đối tác để ra mắt sản phẩm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn với 100% tỏi từ đảo Lý Sơn.

 

Lễ ký kết hợp đồng cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến sản phẩm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn sử dụng 100% tỏi từ đảo Lý Sơn là cam kết mạnh mẽ của nhãn hàng Nam Ngư trong chiến lược tạo ra những sản phẩm ngon, chất lượng kết hợp với các đặc sản Việt Nam.

Từ đó, cũng mở ra cơ hội để cùng chính quyền địa phương và bà con nông dân canh tác tỏi theo hướng bền vững, duy trì ngành nghề trồng tỏi lâu đời và gia tăng giá trị kinh tế, quảng bá thương hiệu tỏi Lý Sơn tới người dân cả nước và vươn ra thế Giới. 

Bà Lê Thị Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, chia sẻ: “Với tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững, nâng tầm giá trị đặc sản địa phương của các vùng miền đất nước, Masan Consumer (nhãn hàng Nam Ngư) đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nổi bật sử dụng nguyên vật liệu đặc sản Việt Nam.

Định hướng này nhằm mang đến cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cơ hội thưởng thức những món ngon kết hợp với đặc sản ở nhiều vùng miền trên đất nước, trong đó có tỏi Lý Sơn. 

Ngoài ra, với chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, Nam Ngư cũng mở rộng cơ hội quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu tỏi Lý Sơn tới người dân cả nước và ra thị trường quốc tế”.

Tại Lễ ký kết, đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao việc ký kết cung ứng dài hạn tỏi Lý sơn để chế biến Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn - giữa Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan và các đối tác thương mại cùng sự đồng hành của UBND huyện Lý Sơn. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá: "Đây là hành động, một bước đi thiết thực, giúp người nông dân trồng tỏi nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra thương hiệu tỏi Lý Sơn. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp trong đó có Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan với nông dân trồng tỏi sẽ tạo động lực, là nền tảng cho việc sản xuất tỏi Lý Sơn bền vững, hiệu quả, nâng tầm và tạo dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn.”

Ông Đặng Tấn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn phát biểu: “Hiện nay, huyện Lý Sơn đã phát triển được hơn 300ha đất trồng tỏi. Tỏi là cây trồng chủ lực trên đảo nhưng giá tỏi mỗi năm một thay đổi, nên cuộc sống của nông dân trồng tỏi bấp bênh, thương hiệu chưa được quảng bá một cách chiến lược, rộng khắp. 

Vì vậy, tôi đánh giá cao việc ký kết hợp tác nâng tầm đặc sản tỏi Lý Sơn của nhãn hàng Nam Ngư thuộc Công ty Masan. Đây sẽ là tiền đề duy trì và tạo cơ hội phát triển bền vững cho ngành nghề trồng tỏi lâu đời trên huyện đảo, thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như quảng bá mạnh mẽ thương hiệu tỏi Lý Sơn đến hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam và ra thế giới”.

Lãnh đạo địa phương cũng cho biết chính quyền và các hộ canh tác tỏi sẽ đồng hành với Nhãn hàng Nam Ngư để thực hiện nhiều hoạt động đa dạng trong nỗ lực góp phần đưa tỏi Lý Sơn trở thành thương hiệu tỏi quốc gia cũng như được biết để rộng rãi trên thế giới.

 

Trong khuôn khổ Lễ ký kết, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã trao tặng UBND huyện Lý Sơn 500 triệu đồng để cùng chung tay đóng góp vào chương trình An sinh xã hội của Huyện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân Huyện đảo Lý Sơn.

Mùa trồng tỏi ở Lý Sơn bắt đầu từ tháng 9 năm trước, kéo dài khoảng 5-6 tháng, thu hoạch từ tháng 2-3 năm sau, tỏi là loại nông sản chính được người dân Lý Sơn ví von như “vàng trắng” vì giá trị kinh tế mang lại cao. 

Tỏi Lý Sơn nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt, củ tỏi nhỏ, trắng, tép đều, hàm lượng tinh dầu có trong tỏi Lý Sơn khá cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng dùng làm gia vị và nguồn dược liệu vô cùng quý giá dùng trong y học. 

Tỏi Lý Sơn có vai trò kinh tế chủ lực đối với người dân và chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, việc canh tác tỏi của người dân trên đảo gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả bấp bênh. 

Do vậy, chỉ có liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, chế biến ra những sản phẩm có tính thương hiệu thì mới nâng cao được giá trị cho cây tỏi, tăng nguồn thu nhập để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững ở huyện đảo Lý Sơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục