Mặc biển cấm, Uber, Grab vẫn “vô tư” ra vào đón trả khách

10:29' - 18/01/2018
BNEWS Để phân biệt loại hình xe Uber, Grab với xe ô tô cá nhân để xử lý vi phạm là điều không dễ dàng do loại hình này thiếu độ nhận diện.

Sau gần 1 tuần Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; trong đó có Uber, Grab hoạt động tại 13 tuyến phố trung tâm trong khung giờ cao điểm, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Mặc dù, có biển cấm nhưng xe Uber, Grab vẫn “vô tư” ra vào đón trả khách.

Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Để phân biệt loại hình xe Uber, Grab với xe ô tô cá nhân để xử lý vi phạm là điều không dễ dàng do loại hình này thiếu độ nhận diện. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, taxi truyền thống có logo, mào, số điện thoại và bảng giá... nhưng "taxi công nghệ" thì logo rất nhỏ khó nhận diện và có xe dán, xe không. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý phương tiện vi phạm đi vào phố cấm.

Đối với xe Uber, Grab, Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định về điều kiện tham gia kinh doanh; trong đó có quy định gắn phù hiệu và logo nhưng chưa quy định rõ mẫu mã, kích thước để dễ nhận diện. Do đó các đơn vị tham gia kinh doanh Uber, Grab có làm logo, phù hiệu nhưng kích thước nhỏ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Trước kiến nghị của Hiệp hội taxi và các doanh nghiệp vận tải, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang điều chỉnh, bổ sung thêm một số điều kiện đối với loại hình vận tải Uber, Grab để tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động vận tải khách", ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.

Theo ông Trần Đăng Hải, ngay từ khi Uber, Grab mới hoạt động, lực lượng chức năng đã phải cải trang, đóng giả để kiểm tra, xác minh đối với trường hợp vi phạm, trên cơ sở đó có hình thức xử lý.

Sau ngày 20/1 tới, lực lượng chức năng sẽ bắt đầu xử lý đối với phương tiện xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; trong đó có Uber, Grab đi vào 13 tuyến phố cấm hoạt động trong giờ cao điểm.

Để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý, Thanh tra Giao thông Vận tải đang tăng cường phối hợp với lực lượng Công an chỉ đạo nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ để đạt hiệu quả tốt nhất trong giải quyết, xử lý vi phạm.

Thực tế, ở Hà Nội hiện nay, nhiều người dân sử dụng xe nhàn rỗi đăng ký Uber, Grab kinh doanh dịch vụ chở khách, đồng thời vừa sử dụng vào mục đích cá nhân đi công việc riêng, đưa gia đình đi chơi.

Nhiều người cho rằng, khi phương tiện không chở khách mà dùng vào mục đích cá nhân đi vào 13 tuyến phố cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trong khung giờ cao điểm sẽ không bị xử lý khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Hải, tất cả những phương tiện tham gia vận tải chở khách đều phải điều chỉnh bởi quy định của thành phố. Do đó, các cá nhân hoạt động Uber, Grab khi sử dụng vào mục đích nào thì cũng phải thuân thủ theo quy định chung và sẽ bị xử lý khi đi vào tuyến phố cấm.

Tại Hà Nội hiện có 19.265 taxi và khoảng 25.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi; trong đó có khoảng 50.000 xe Uber, Grab tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Việc số lượng xe Uber, Grab tăng vọt làm gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Để giảm ùn tắc giao thông trong nội đô và đảm bảo công bằng với taxi truyền thống trong hoạt động vận tải khách, từ ngày 11/1, Hà Nội bắt đầu cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ Uber, Grap hoạt động ở 13 tuyến phố trong khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và 16 giờ 30 đến 19 giờ 30 buổi tối.

Theo đó, 13 tuyến phố cấm xe hợp đồng vào giờ cao điểm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.

Đây là những tuyến phố mà trước đó Sở Giao thông Vận tải cũng đã cấm taxi hoạt động trong khung giờ cao điểm, nhằm giảm ùn tắc giao thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục