Mầm mống cho cuộc khủng hoảng tài chính mới?

08:03' - 19/07/2025
BNEWS Xu hướng phát triển nhanh của stablecoin – một loại tiền điện tử do các công ty tư nhân phát hành, có giá trị gắn với đồng USD – đang thúc đẩy một quá trình chuyển đổi tiền tệ với nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, một hệ thống stablecoin công với công nghệ blockchain tương tự, sẽ giúp tránh được nguy cơ khủng hoảng tài chính và còn có thể tạo ra một quỹ tín thác chung cho toàn dân.

 

Trong bài viết mới đây trên trang Project Syndicate, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ông Yanis Varoufakis, cho rằng trước khi đi tìm giải pháp đổi mới hệ thống tài chính, điều quan trọng là phải hiểu được cuộc chuyển hoá tiền tệ đang diễn ra. Cốt lõi của sự thay đổi này là sự trỗi dậy của stablecoin. Khác với các loại tiền ảo như bitcoin vốn có giá trị lên xuống bất thường, không gắn với tài sản nào, stablecoin được thiết kế để luôn giữ giá trị ổn định theo đồng USD.

Không chỉ tội phạm, mà cả người dân bình thường cũng có lý do để  "ưu ái" stablecoin: chuyển tiền ra nước ngoài nhanh hơn, rẻ hơn, không bị giới hạn bởi các lệnh cấm vận của Mỹ, và tránh được những rắc rối trong hệ thống nhắn tin liên ngân hàng lạc hậu như SWIFT.

Không dừng ở đó, các tập đoàn tài chính còn muốn phát hành stablecoin của riêng mình. Khi các tập đoàn này chuyển các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính khác sang hệ thống blockchain riêng (một dạng công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu an toàn), họ không chỉ tăng tốc và nâng cao độ tin cậy cho các giao dịch, mà còn có thể chiếm lĩnh thị trường và kiểm soát chính đơn vị tiền tệ dùng trong giao dịch. Đây là con đường dẫn đến siêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Varoufakis cảnh báo: stablecoin có thể là “ngòi nổ” cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Vì các công ty phát hành stablecoin có thể bị cám dỗ phát hành nhiều tiền hơn số USD thật mà họ đang giữ. Và vì họ gửi phần lớn số USD đó trong các ngân hàng, nếu xảy ra tình trạng người dân rút tiền hàng loạt, thì không chỉ ngân hàng gặp khó mà cả stablecoin cũng sẽ bị rút ồ ạt – tạo ra hiệu ứng domino, lan ra toàn hệ thống.

Thêm vào đó, khi các hoạt động tài chính sử dụng stablecoin làm phương tiện thanh toán chính, nếu có cú sốc nào đối với stablecoin, cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 29.000 tỷ USD cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều nguy hiểm hơn là nhiều loại stablecoin này được phát hành bởi công ty nước ngoài và Chính phủ Mỹ sẽ khó có thể cứu trợ họ nếu xảy ra sự cố.

Mức độ chuyển dịch từ tiền tệ truyền thống sang stablecoin tư nhân hiện nay đang rất đáng lo ngại. Ngày 17/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua một luật mới có tên là Đạo luật GENIUS, nhằm hợp pháp hóa và khuyến khích sử dụng stablecoin. Thực chất, điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ đang từng bước để tư nhân hóa hệ thống đồng USD. Bộ Tài chính Mỹ dự đoán rằng 6.600 tỷ USD trong các tài khoản thanh toán của người dân ở ngân hàng (tức tiền gửi không có lãi) có thể sẽ được chuyển sang stablecoin. Điều này chẳng khác nào đặt một “quả bom hẹn giờ” dưới nền móng kinh tế.

Phương thức "gỡ bom"?

Giả sử người dân Mỹ có thể tải một ví kỹ thuật số của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ bất kỳ cửa hàng ứng dụng nào. Sau đó, họ có thể yêu cầu công ty trả lương vào ví này. Họ cũng có thể chuyển tiền từ ngân hàng sang ví để nhận lãi suất tốt hơn và không tốn phí giao dịch.

Ví này sẽ sử dụng cùng công nghệ blockchain như stablecoin, nhưng khác ở chỗ mọi khoản tiền đều do Fed đảm bảo. Việc chuyển khoản vẫn được giữ riêng tư, nhưng tổng lượng tiền đang lưu thông sẽ luôn được công khai. Đây sẽ là "siêu stablecoin", hội tụ tốc độ giao dịch nhanh, hiệu quả, bảo mật và lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt, hệ thống này còn mang đến một lợi ích công chưa từng có: một quỹ tín thác cho toàn dân.

Ông Varoufakis chỉ ra rằng nếu như 6.600 tỷ USD bị rút khỏi ngân hàng để chuyển sang stablecoin, tổng lượng USD trong nền kinh tế sẽ giảm mạnh. Khi đó, Fed buộc phải tăng lãi suất để các ngân hàng làm theo, nhằm ngăn dòng tiền rút ra và tránh sự suy giảm nguồn cung tiền – một kịch bản tai hại với nền kinh tế thực.

Ngược lại, nếu toàn bộ số tiền đó được chuyển sang ví kỹ thuật số do Fed phát hành, Fed không cần tăng lãi suất. Họ chỉ cần tính toán để giữ ổn định lượng tiền lưu thông. Nói cách khác, Fed có thể cung cấp một quỹ tín thác cho người dân mà không cần tăng thuế hay vay nợ.

Dĩ nhiên, các ngân hàng sẽ không thích ý tưởng này. Vì nếu người dân dùng ví của Fed để gửi tiết kiệm và thanh toán, ngân hàng sẽ không còn kiểm soát nguồn tiền như trước nữa. Họ sẽ phải quay lại đúng vai trò ban đầu: làm trung gian tài chính, tức dùng tiền người này để cho người khác vay.

Thị trường tài chính cũng buộc phải sử dụng đồng USD kỹ thuật số mới này do Fed phát hành cho các giao dịch, nhưng sẽ không còn được hưởng những đặc quyền lợi nhuận khổng lồ như khi tự phát hành tiền riêng.

Nếu được thực hiện, hệ thống tiền kỹ thuật số công này sẽ giúp người dân có được sự tự do tài chính chưa từng có, thoát khỏi sự phụ thuộc vào các ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục