Mạnh tay trước tình trạng thao túng và làm giá cổ phiếu

19:46' - 30/10/2021
BNEWS Mặc dù hàng loạt hành vi vi phạm, thao túng, làm giá cổ phiếu bị cơ quan quản lý phát hiện và xử lý, nhưng tình trạng này dường như vẫn chưa thuyên giảm.
Trước thực tế này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường và xử lý nghiêm các vi phạm.

* Hàng loạt vụ vi phạm bị phát hiện xử lý

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhà nước cho biết, trên cơ sở giám sát, thanh tra, kiểm tra từ năm 2020 đến tháng 9/2021, Ủy ban đã xử phạt 659 tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 34 tỷ đồng; trong đó, xử phạt 11 tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xác minh, điều tra các vụ việc thao túng, vụ việc hình sự.

Đơn cử cuối tháng 7/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội), với số tiền phạt 940,35 triệu đồng.

Lý do ông Bê bị phạt do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch, trong khi có quan hệ gần gũi với một lãnh đạo Ngân hàng Thương mại.

Cụ thể, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB và bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021, ông Bê tiếp tục mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021 và mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3/3/2021, nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 23/7/2021.

Cuối tháng 8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân.

Cụ thể, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, giá cổ phiếu FTM liên tục lao dốc từ mức gần 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin (giao dịch ký quỹ) cổ phiếu FTM.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra và xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quang Vinh.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Quang Vinh đã sử dụng 35 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch khớp chéo cổ phiếu TAR. Việc này nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TAR của Công ty nông nghiệp và công nghệ cao Trung An.

* Vẫn chưa thuyên giảm

Giới phân tích cho rằng, nếu các hành vi thao túng cổ phiếu trót lọt, không bị phát hiện sớm thì số tiền thu lời bất chính của các đối tượng vi phạm sẽ rất lớn.

Ngoài phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị cơ quan công an khởi tố và đưa ra xét xử.

Thực tế cho thấy, mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xử phạt hàng loạt tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm, có trường hợp tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng, nhưng để truy tố, xử lý hình sự đối với các trường hợp thao túng giá cổ phiếu là không dễ dàng.

Qua báo cáo định kỳ hàng năm của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, điều dễ thấy là số mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường khá nhiều, nhưng thường không xác định được hậu quả do hành vi thao túng giá cổ phiếu gây ra. Đặc biệt, để xác định lợi ích thu được từ hành vi này rất khó khăn vì không đủ căn cứ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay mức tiền phạt với hành vi thao túng giá cổ phiếu tuy không nhỏ, song vẫn chưa đủ sức răn đe vì nếu các hành vi thao túng cổ phiếu trót lọt, không bị phát hiện sớm thì số tiền thu lời bất chính của các đối tượng vi phạm sẽ rất lớn, có thể là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngày càng được các đối tượng thực hiện tinh vi và vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán là mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe.

Nếu theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên facebook, youtube, zalo... có thể thấy những thông tin theo kiểu “phím hàng”, định hướng rất nhiều.

Theo vị chuyên gia này, với thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy.

“Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Do vậy, phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh tay và đẩy mạnh công tác tuyên truyền”, ông Khánh kiến nghị.

Trên thực tế, nhiều cổ phiếu được hô hào từ các cá nhân, group trên mạng có hiện tượng tăng, giảm bất thường; có nhiều cổ phiếu liên tục tăng trần, nhưng hoạt động kinh doanh lại thua lỗ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, căn cứ kết quả giám sát thường xuyên và các thông tin phản ánh từ báo chí, dư luận về các hiện tượng có dấu hiệu đáng nghi ngại trên mạng xã hội cũng như diễn biến một số cổ phiếu liên quan, các đơn vị giám sát, thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu, nắm bắt và thu thập thông tin về các vấn đề này.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng với việc phối hợp với cơ quan tố tụng xử lý các vụ việc giao dịch thao túng, hình sự trên thị trường, thời gian qua cơ quan quản lý đẩy mạnh việc giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường chứng khoán.

Trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch COVID-19, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động giãn hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ, nhưng tăng cường thực hiện giám sát hoạt động, việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức và cá nhân trên thị trường chứng khoán và triển khai đoàn đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai tổng cộng 18 đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ và 13 đoàn kiểm tra đột xuất.

Đối với hiện tượng một số cổ phiếu biến động mạnh trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây dù doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tổ chức giám sát chặt chẽ, kiểm tra các giao dịch có dấu hiệu bất thường, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, triển khai đoàn kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức và cá nhân, nhất là dấu hiệu thực hiện hành vi lạm dụng thị trường như giao dịch thao túng, xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo tính răn đe, kỷ cương cho thị trường, giữ vững niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường công khai và minh bạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục