Masan xây dựng hệ sinh thái kinh doanh tiêu dùng

16:21' - 25/11/2021
BNEWS Hoạt động M&A trong thời gian gần đây của Masan cho thấy doanh nghiệp đang có sự tập trung mạnh mẽ vào chiến lược xây dựng hệ sinh thái các hoạt động kinh doanh tiêu dùng.

Giới phân tích cho rằng, các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong thời gian gần đây của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cho thấy, doanh nghiệp đang có sự tập trung mạnh mẽ vào chiến lược xây dựng hệ sinh thái các hoạt động kinh doanh tiêu dùng.

* Nỗ lực đạt doanh thu trong đại dịch

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tại Việt Nam trong năm 2021 và trở nên đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 7 dẫn đến các biện pháp giãn cách xã hội khắt khe được áp dụng ở hầu hết các thành phố lớn trên cả nước. Hệ quả khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2021 và thậm chí GDP quý III/2021 ước tính còn giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.

Vượt qua khó khăn của dịch bệnh, nỗ lực vận hành hệ thống để không đứt gãy chuỗi cung ứng, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đạt mức doanh thu kỷ lục 64,801 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, với mức tăng trưởng mạnh 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng hàng tiêu dùng, bán lẻ tạp hóa và chuỗi giá trị thịt cung ứng cho người tiêu dùng trong các đợt cách ly xã hội khi nhu cầu tích lũy thực phẩm đóng gói, nhu cầu mua hàng từ kênh tạp hóa hiện đại và nhu cầu thịt sạch đều gia tăng mạnh.

Riêng lĩnh vực vật liệu công nghệ cao có được sự tăng trưởng ấn tượng nhờ giá kim loại quý phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 từ mức thấp kỷ lục năm 2020.

Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, Việt Nam có thể đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19 giúp thị trường tiêu dùng nội địa phục hồi lại trạng thái bình thường trong quý I/2022.

Công ty chứng khoán này cho rằng, nhu cầu tích trữ thực phẩm gia tăng đột biến và chợ truyền thống đóng cửa trong các đợt cách ly đã giúp doanh thu thực phẩm đóng gói và doanh số bán hàng của hệ thống cửa hàng tiện ích tăng mạnh trong năm 2021.

Tuy nhiên, yếu tố này dự kiến sẽ không lặp lại trong năm 2022. Lý do được Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đưa ra là các đợt cách ly tập trung trên diện rộng do ảnh hưởng bởi COVID-19 có thể sẽ không xuất hiện.

*Tập trung hệ sinh thái kinh doanh tiêu dùng

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhìn vào hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong thời gian gần đây của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan như: đầu tư vào Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam, mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Mobicast (Mobicast).

Là công ty startup trong lĩnh vực mạng di động ảo (“MVNO”), Mobicast sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông. Trong khi đó, Masan thoái vốn tại mảng thức ăn chăn nuôi đã cho thấy, sự tập trung mạnh mẽ của của doanh nghiệp vào chiến lược xây dựng hệ sinh thái các hoạt động kinh doanh tiêu dùng.

Thực tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan mới công bố kết quả thỏa thuận chiến lược với Công ty TNHH De Heus Việt Nam là công ty con của Tập đoàn Hoàng Gia De Heus. Theo đó, De Heus Việt Nam sẽ mua lại Công ty cổ phần MNS Feed là công ty con của Công ty cổ phần Masan Masan MeatLife.

Trong quý IV/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan sẽ thoái toàn bộ vốn ở mảng thức ăn chăn nuôi, ước tính thu về 7.200 tỷ đồng để giảm nợ và tập trung phát triển mảng thịt. Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cũng sẽ phát hành riêng lẻ 4,9% cổ phiếu The Crown X - công ty con của Masan cho SK Group - tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc để thu về 340 triệu USD.

Việc bán toàn bộ vốn mảng thức ăn chăn nuôi cũng làm doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan giảm khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm.

MNS Feed sở hữu 100% cổ phần Anco và 75,2% cổ phần Proconco, chiếm 13% tổng thị phần thức ăn chăn nuôi.

Là một phần của thương vụ, Công ty cổ phần Masan Masan MeatLife sẽ ký hợp đồng dài hạn với De Heus. Cụ thể, De Heus sẽ cung cấp tối đa 70% thức ăn chăn nuôi cho trang trại của Masan MeatLife và ít nhất 2,8 triệu con lợn hơi cho công ty, tương đương với 80% nhu cầu lợn hơi của Masan MeatLife trong vòng 5 năm tới, với mức giá ưu đãi so với thị trường.

Trong khi đó, trang trại Masan MeatLife tại Nghệ An hiện nay có sản lượng là 230.000 con lợn thành phẩm mỗi năm, sẽ đáp ứng 20% số lượng còn lại.

Masan MeatLife tin tưởng việc hợp tác này sẽ bảo đảm chất lượng thịt và giúp giảm thiểu ảnh hưởng trước biến động giá thức ăn chăn nuối và lợn hơi.

Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng doanh thu từ mảng thịt lợn năm 2021 là 200 triệu USD. Tới năm 2025, Masan MeatLife đặt mục tiêu doanh thu đạt 1,5 tỷ USD, tương đương 10% thị phần thịt trong cả nước bao gồm: thịt lợn mát và tươi, thịt gia cầm và thị chế biến; trong đó, thịt chế biến đóng góp 40% về doanh thu và 70% về lợi nhuận thuần.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt cũng cho rằng, cổ phiếu của Masan sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu mục tiêu của ban lãnh đạo công ty về việc tiếp tục tái cơ cấu để hoàn toàn tập trung 100% vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng (tiếp tục giảm tỷ trọng vào các mảng kinh doanh hàng hóa) được hiện thực hóa.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan sẽ được hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng dài hạn của Việt Nam nhờ các nền tảng kinh doanh tiêu dùng của công ty gồm: tiêu dùng nhanh, thịt có thương hiệu và bán lẻ.

Trên thị trường chứng khoán, MSN có giá 88.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 31/12) lên 157.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 25/11), tương ứng mức tăng hơn 77,1%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục