Mật độ xây dựng mới trụ sở các bộ, ngành hầu hết ở mức 40%

12:01' - 15/01/2024
BNEWS Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu trụ sở bộ ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội với chi tiết cụ thể về vị trí, mật độ, chiều cao công trình...

Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 có các lộ trình cụ thể.

Theo đó, lộ trình từ năm 2023 - 2025, các cơ quan bộ, ngành trung ương sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 - 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 - 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc di chuyển vẫn chậm.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu trụ sở bộ ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội. Chi tiết 36 trụ sở bộ, ngành với từng vị trí cụ thể, mật độ xây dựng, chiều cao công trình... đã được công bố để các đơn vị có căn cứ triển khai sớm theo kịp tiến độ. Mật độ xây dựng các công trình hầu hết ở mức 40% và dao động từ 14  đến 25 tầng.

 

Khu đất quy hoạch được duyệt trong đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành trung ương tại Tây Hồ Tây thuộc địa giới hành chính phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Quy mô khu đất trong đồ án quy hoạch được duyệt khoảng 35 ha (diện tích thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ khoảng 20,7 ha và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm khoảng 14,3 ha).

Sẽ có 12 cơ quan và dự trữ 1 cơ quan được bố trí tại khu đất được quy hoạch khoảng 35 ha này. Ngoài việc bố trí đất xây dựng trụ sở các cơ quan còn có đất công trình dịch vụ, công cộng; đất cây xanh, quảng trường, công viên, đường đạo, cầu vượt, mặt nước và đất đường giao thông. Tong số đó, đất xây dựng trụ sở, cơ quan dự kiến phục vụ khoảng 14.500 người làm việc.

Cụ thể, trụ sở làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diện tích đất 10.381 m2, cao 25 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 4,3 lần được bố trí tại Lô B1. Tiếp đó, Lô B2 là trụ sở làm việc của Bộ Tư pháp với diện tích đất 10.927 m2, cao 21 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,7 lần. Lô B3 bố trí trụ sở làm việc của Bộ Công Thương với diện tích 10.382 m2 đất, cao 25 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 4,3 lần.

Lô B4 dành cho trụ sở làm việc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có diện tích đất 10.926 m2, cao 21 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,7 lần. Lô B5 xây dựng trụ sở làm việc của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, diện tích đất 10.568 m2, chiều cao 17 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,8 lần.

Tiếp đến Lô B7 là trụ sở làm việc của Bộ Y tế, diện tích đất 10.463 m2, với chiều cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,9 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo nằm trên lô B10 có diện tích 12.385 m2 đất, cao 12 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,4 lần.

Tại Lô B13 là trụ sở làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diện tích đất 11.803 m2, chiều cao công trình 14 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,5 lần. Trụ sở làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Lô B14 với diện tích đất 11.497 m2, cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,6 lần.

Trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng nằm trên Lô B15 với diện tích đất 11.802 m2, công trình có chiều cao 15 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,5 lần. Kế tiếp là Lô B16 dành cho Bộ Giao thông Vận tải, diện tích đất 11.498 m2, cao 18 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 3,9 lần.

Lô B12 dự kiến bố trí trụ sở làm việc của cơ quan dự trữ, diện tích đất 12.389 m2 với chiều cao công trình là 12 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 2,4 lần.

Về khu đất Mễ Trì thuộc phường Trung Văn, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội được quy hoạch với tổng 55 ha sẽ đáp ứng nơi làm việc cho khoảng 4.200 người. Trong đó, Lô CQ01 được bố trí trụ sở làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với diện tích đất khoảng 49.971 m2, công trình cao từ 20 đến 25 tầng và hệ số sử dụng đất 1 đến 3 lần.

Cùng đó, Lô CQ2 đang xây dựng trụ sở làm việc của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có diện tích đất khoảng 31.307 m2, bố trí cao từ 17 đến 20 tầng, hệ số sử dụng đất 1 đến 3 lần.

Tất cả các lô đất bố trí cho các cơ quan bộ, ngành kể trên đều có mật độ xây dựng ở mức 40%. Riềng Lô B8 tại Tây Hồ Tây bố trí cho trụ sở làm việc của Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ với diện tích đất 7.985 m2 sẽ có mật độ xây dựng khoảng 50%, công trình cao 14 tầng và hệ số sử dụng đất khoảng 3,8 lần.

Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được Chính phủ thông qua và đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, cùng với yêu cầu phát triển của xã hội, việc tổ chức lại hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đồng hành với cải cách các phương pháp làm việc, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp thiết.

Do đó, cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất mới, phù hợp với các yêu cầu mới, với mô hình chính phủ điện tử và nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp Trung ương.

Trên cơ sở các nhiệm vụ được phê duyệt, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và thành phố Hà Nội để tổ chức rà soát, đánh giá các thực trạng và lập quy hoạch hệ thống trụ sở các cơ quan; đồng thời ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu trụ sở bộ ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục