Mâu thuẫn gia tăng trong quan hệ kinh tế Trung Quốc - EU

05:30' - 28/07/2017
BNEWS Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu có xu hướng tăng đột biến khiến nhiều nước cảm thấy bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiếp tục thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Reuters

Báo "Liên hợp buổi sáng" của Singapore số ra mới đây đăng bài viết của giáo sư gốc Hoa Tương Lam Hân thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Trường Đại học Geneva (Thụy Sỹ), cho rằng chính sự sốt sắng thái quá của Trung Quốc đang là nguyên nhân khiến Liên minh châu Âu (EU) cảnh giác và lo ngại.

Theo tác giả bài báo, nguyên nhân đầu tiên khiến mâu thuẫn gia tăng trong quan hệ kinh tế Trung Quốc - EU chính là việc các quốc gia của "lục địa già" cảm thấy bất an về cách thức Bắc Kinh thúc đẩy chiến lược BRI. EU luôn đưa ra tiêu chuẩn minh bạch, đúng chuẩn quốc tế hóa và tuân thủ nghiêm các quy tắc hiện hành.

Trong khi đó, một số dự án thuộc BRI ngay từ khâu thảo luận đã tỏ ra thiếu chuyên nghiệp, một số dự án đã đi vào hoạt động thì thường trì trệ và không thuận lợi... Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sáng kiến BRI của Bắc Kinh đến nay vẫn chưa nhận được sự tham gia của các thể chế tài chính chủ chốt trên thế giới.

Giáo sư Tương Lam Hân nhận định Trung Quốc xác định châu Âu là đích đến, nơi hợp nhất của Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (Vành đai và Con đường) vì đây được coi là nơi giàu có và thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, EU cho đến nay vẫn kiên quyết không công nhận kinh tế Trung Quốc có quy chế kinh tế thị trường. Một số quốc gia trong EU lo ngại rằng nếu được công nhận, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội đó tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chế tạo, nhất là công nghiệp nặng và gang thép sang thị trường châu Âu.

Công nghiệp nặng vốn là thế mạnh truyền thống, lĩnh vực quan trọng và tạo ra nhiều công ăn việc làm của EU, nên các nhà lãnh đạo EU sẽ không dễ dàng để rơi vào tay nước khác.

Mặt khác, quan chức các nước châu Âu nhận định Trung Quốc những năm vừa qua đã bị thiệt hại lớn khi dùng đồng USD để dự trữ ngoại hối. Mặc dù kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu chuyển biến tốt, nhưng lợi ích thu được từ trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn rất thấp.

Do đó, Trung Quốc đã chuyển hướng sang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài để tìm kiếm lợi ích. Ban đầu, EU rất hoan nghênh ý tưởng này của Trung Quốc, nhưng phương thức đầu tư của Bắc Kinh, đặc biệt là số vốn họ bỏ ra để đầu tư tăng đột biến khiến các quốc gia châu Âu cảm thấy bất an.

Những năm đầu của thế kỷ 21, mặc dù kim ngạch thương mại và du lịch giữa Trung Quốc và châu Âu tăng mạnh, nhưng quy mô đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại châu Âu hoàn toàn không được mở rộng.

Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại châu Âu lại có xu hướng tăng trưởng một cách bất thường. Ngược lại, đầu tư của EU tại Trung Quốc vẫn tăng trưởng một cách chậm chạp do Bắc Kinh áp dụng một loạt các biện pháp nhằm hạn chế đầu tư nước ngoài.

Mâu thuẫn gia tăng trong quan hệ kinh tế Trung Quốc - EU. Ảnh: Reuters

Theo tác giả bài báo, đầu tư vào các quốc gia đang phát triển có tính rủi ro cao, nên Trung Quốc mong muốn mở rộng đầu tư sang các quốc gia phát triển có chế độ ổn định cùng hệ thống pháp luật hoàn thiện.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia châu Âu được Bắc Kinh xác định là nơi có môi trường đầu tư tốt nhất. Tuy nhiên, sản phẩm của Trung Quốc chưa xây dựng được thương hiệu thế giới, ngay cả những mặt hàng bán chạy nhất như sản phẩm của tập đoàn Hoa Vi và Haier cũng chỉ được khoảng 17% người tiêu dùng châu Âu biết đến.

Do vậy, mục tiêu đầu tư của Trung Quốc thường tập trung vào việc mua các nhà máy sản xuất đã có thương hiệu của các quốc gia châu Âu và điều này đang trở thành mối đe dọa đối với ngành công nghiệp chế tạo truyền thống của "lục địa già".

Một vấn đề nữa là các nhà đầu tư Trung Quốc thường xuyên sử dụng thủ đoạn trả giá cao hơn hẳn so với thị trường để đạt được mục đích thâu tóm nhà xưởng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.

Ngoài ra, các thiếu gia (con của quan chức) cùng giới tỷ phú Trung Quốc thường không tiếc tiền, trả giá cao ngất ngưởng để mua các biệt thự xa hoa tại Pháp. Điều này khiến các quan chức EU nghi ngờ rằng rất có khả năng có yếu tố rửa tiền trong các thương vụ mua bán kể trên.

Theo nghiên cứu của EU, Trung Quốc có khoảng 100 tỷ phú với tổng giá trị tài sản lên tới gần 400 tỷ USD, trong khi đó khoảng 300 triệu người khác có mức thu nhập bình quân chỉ trên dưới 2 USD/ngày.

Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn như vậy khiến người dân châu Âu cảm thấy bất bình trước các phi vụ mua bán kiểu "không tiếc tiền" của các tỷ phú Trung Quốc, đồng thời cũng khiến các quan chức EU phải thận trọng và đề cao cảnh giác.

Có quan điểm cho rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" mà Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy chính là “Con ngựa gỗ thành Troy” đối với châu Âu. Do vấn đề kinh tế thị trường (như đã đề cập ở trên) chưa được giải quyết, nên Trung Quốc muốn thông qua BRI để thâm nhập vào thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng của châu Âu.

Nếu Bắc Kinh giành được hạng mục đầu tư lớn tại một quốc gia châu Âu nào đó, nhiều khả năng quốc gia đó sẽ phải lệ thuộc vào Trung Quốc, tạo nguy cơ tiềm ẩn cho quá trình chỉnh đốn của EU. Có quan chức EU cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược chia rẽ, nên các thành viên của liên minh này cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong xử lý vấn đề đầu tư của Trung Quốc.

Đặc biệt, Trung Quốc đã cùng với một số thành viên khu vực Đông Âu của EU và một số quốc gia không phải là thành viên của EU đạt được cơ chế hợp tác 16+1. Theo Ủy ban châu Âu (EC), đây chính là hành động chia rẽ EU của Trung Quốc, do đó ủy ban này đã yêu cầu được tham dự cơ chế trên với tư cách quan sát viên.

Tác giả bài báo kết luận, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho người dân châu Âu có thái độ bất mãn nhất định đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Tuy nhiên, về tổng thể châu Âu vẫn hy vọng trong khả năng kiểm soát của mình, sẽ thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục