EU cân nhắc biện pháp đáp trả nếu lệnh trừng phạt Nga của Mỹ có hiệu lực

11:30' - 27/07/2017
BNEWS Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU), ông Vladimir Chizhov cho biết EU đang cân nhắc các biện pháp phòng ngừa và đáp trả nếu dự luật mở rộng lệnh trừng phạt Nga của Mỹ có hiệu lực.

Phát biểu trên kênh truyền hình Russia 24, ông Chizhov cho hay EU đang thảo luận một số biện pháp như tuyên bố dự luật này của Mỹ không có hiệu lực trong EU và cấm các ngân hàng châu Âu cung cấp tài chính cho các công ty Mỹ.

 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan (giữa) trong cuộc họp báo sau phiên bỏ phiếu của Hạ viện ở Capitol Hill, Washington DC, ngày 25/7. Ảnh: EPA/ TTXVN

Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Nga lưu ý các biện pháp này không thể so sánh với những thiệt hại tiềm tàng mà các doanh nghiệp châu Âu phải gánh chịu trong trường hợp dự luật trên được ban hành thành luật.

Ông Chizhov cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp châu Âu đã được cảnh báo nếu các lệnh trừng phạt Nga có hiệu lực, đồng thời cho rằng mối quan hệ song phương trong tương lai giữa EU và Moskva sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Brussels đối với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá các dự luật trừng phạt mới chống Nga được Hạ viện Mỹ thông qua nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong EU. Pháp và Đức đều đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt mới được đề xuất này, trong đó có việc trừng phạt các cá nhân và công ty châu Âu giao dịch với Nga và Iran.

Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh các biện pháp được cả 2 viện Quốc hội Mỹ thông qua sẽ là bất hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế, kể cả khi Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn, hoặc Tổng thống Trump phủ quyết nhưng lưỡng viện Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ.

Một nhà bình luận chính trị của Đại học Louvain (Pháp), Giáo sư Jean Bricmont cảnh báo sự chỉ trích gia tăng của các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga sẽ làm bùng phát các mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Washington và EU.

Tuy nhiên, theo ông Bricmont, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo nhận thức được mức độ thiệt hại mà các lệnh trừng phạt mới của Mỹ gây ra đối với các nước thành viên EU, song không công khai vì muốn tránh “va chạm” với các lợi ích và chính quyền mới tại Washington

Trước đó, với số phiếu áp đảo, Hạ viện Mỹ ngày 25/7 đã thông qua dự luật áp đặt các trừng phạt mới chống Nga, nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, khai khoáng, đóng tàu, năng lượng, công nghiệp đường sắt, tình báo cũng như hạn chế các vụ giao dịch với các ngân hàng Nga.

Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Trump, các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 26/7 đã đạt được thỏa thuận mở đường cho Thượng viện nước này phê chuẩn ngay trong tuần dự luật về các lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với Nga./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục