May Sông Hồng “chật vật” vượt khó

08:30' - 04/12/2020
BNEWS Một trong những doanh nghiệp ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 là Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH)

Dệt may được cho là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19. Đơn hàng bị hoãn hoặc hủy, khách hàng muốn giảm giá bán, thậm chí khách hàng phá sản trong khi vẫn còn những khoản nợ chưa thanh toán… khiến khó khăn đối với doanh nghiệp dệt may thêm chồng chất. Một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có thể kể đến là Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH)

 *Năm đặc biệt khó khăn

Theo Bộ Công Thương, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Nhu cầu chững lại do dịch COVID-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm.

Mười tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 548,8 triệu m2, tăng 4,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 782,7 triệu m2, giảm 10,6%; quần áo mặc thường ước đạt 3.639,2 triệu cái, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Cũng theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh.

Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước chỉ đạt từ 600 - 640 tỷ USD, giảm từ 15 - 20% so với năm 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Thực tế, theo tổ chức Clean Clothes Campaign, các hãng thời trang đã hủy nhiều đơn hàng trị giá hàng tỷ USD vào đầu năm nay do hàng loạt cửa hàng trên thế giới bị đóng cửa vì dịch COVID-19.

Hàng triệu công nhân may mặc trên thế giới có nguy cơ bị mất việc làm khi các nhà cung cấp hàng dệt may đang gặp khó khăn do các hãng thời trang liên tục yêu cầu hạ giá sản phẩm và cho chậm thanh toán.

Theo nghiên cứu của Trung tâm vì Quyền của người lao động toàn cầu (CGWR) thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) mới công bố, các thương hiệu thời trang đã yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm dệt may, vốn đang lao đao vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giảm giá sản phẩm 12% so với mức giá của năm 2019.

Kết quả khảo sát 75 xưởng may tại 15 quốc gia trên thế giới cho thấy các nhà cung cấp đã phải đợi trung bình 77 ngày để được thanh toán đơn hàng, so với 43 ngày trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tình trạng này làm tăng thêm lo ngại ngành may mặc trên toàn cầu với 60 triệu lao động sẽ phải đóng cửa thêm nhiều xưởng sản xuất.

Ông Mark Anner, Giám đốc CGWR đồng thời là tác giả nghiên cứu, cảnh báo các nhà cung cấp đang đối mặt với sức ép lớn phải hạ giá sản phẩm cũng như bị chậm thanh toán và hủy đơn đặt hàng, làm ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động. Ông Mark Anner lưu ý các nhà cung ứng nhỏ và vừa sẽ bị tác động trước tiên.

Theo tổ chức Clean Clothes Campaign, các hãng thời trang đã hủy nhiều đơn hàng trị giá hàng tỷ USD ngay vào đầu năm 2020 do hàng loạt cửa hàng trên thế giới bị đóng cửa vì dịch COVID-19.

Nhiều nhà cung cấp đã phải cắt giảm 10% nhân viên và con số này có thể lên đến 45%, tương đương hàng triệu lao động, nếu số đơn hàng tiếp tục giảm.

Trong khi đó, hơn 50% số xưởng may tham gia khảo sát cho biết sẽ phải đóng cửa nếu tình hình không cải thiện.

*“Chật vật” vượt khó 

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều báo cáo kết quả kinh doanh quý III sụt giảm; trong đó, May Sông Hồng (HOSE: MSH) là một trong những doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 13% và 69% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn hơn 1.068 tỷ đồng và 43 tỷ đồng.

Cũng do COVID-19 mà những khách hàng lớn của May Sông Hồng nộp đơn phá sản, không những làm cho doanh nghiệp mất đi những khách hàng lớn mà còn có thể chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng từ những khoản nợ còn tồn đọng.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS, một trong những khách hàng chính của May Sông Hồng tại Mỹ đã đệ đơn phá sản là New York&Co.

Theo đó, công ty mẹ (RTW Retailwinds Inc) của hãng bán lẻ thời trang đồ công sở cho nữ New York & Co., có trụ sở đặt tại New York (Mỹ) đã nộp hồ sơ phá sản vào ngày 13/7/2020 và thông báo có thể đóng cửa 378 cửa hàng New York & Co do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo thông tin từ May Sông Hồng, New York & Co là một trong 3 khách hàng truyền thống lớn của May Sông Hồng những năm gần đây - chiếm 25% tổng doanh thu của mảng FOB (mảng kinh doanh chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của công ty) - lớn nhất trong số các khách hàng chính.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh, từ cuối quý I/2020, May Sông Hồng đã thành lập Ban Giám sát thu hồi công nợ và tối đa chỉ cho khách hàng nợ 2 triệu USD, nếu khách hàng trả chậm thì sẽ dừng xuất hàng.

Ngoài ra, các nhà phân tích từ VCBS đánh giá, ít nhất đến năm 2021 thì tình hình xuất khẩu đi Mỹ mới khả quan và chậm nhất đến 2022 sẽ phục hồi lại như năm 2019.

“Rủi ro tại May Sông Hồng đang hiện hữu là khá lớn, sự kiện khách hàng New York & Co. có thể là ngòi châm cho tác động của COVID-19 lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 1-2 năm tới”, VCSC đánh giá.

Báo cáo quý III của doanh nghiệp cho thấy, May Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đi xuống mạnh nhất.

Cụ thể, quý III với doanh thu thuần của công ty đạt 1.068,2 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm 13% nhưng vẫn chiếm hơn 78,5% tổng doanh thu. Theo đó, lãi gộp quý III của May Sông Hồng đạt 839 tỷ đồng, giảm 12,6% so với quý III/2019.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ tăng 203%, tương ứng tăng thêm 102,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái lên 152,4 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của May Sông Hồng chỉ còn hơn 42,5 tỷ đồng, bằng 1/3 so với quý III/2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 2.970 tỷ đồng, giảm 14%; lợi nhuận trước thuế hơn 201,3 tỷ đồng, giảm hơn 54% và lợi nhuận sau thuế đạt 165,3 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Năm 2020, May Sông Hồng đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, giảm 54% so với thực hiện năm 2019.

Như vậy, sau 9 tháng, MSH đã thực hiện 92,8% kế hoạch doanh thu và hơn 80,5% lợi nhuận trước thuế.

Tính tới 30/9/2020, tổng tài sản tăng 3,3% lên 2.650,3 tỷ đồng; trong đó, khoản phải thu ngắn hạn đạt 608,3 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản.

Doanh nghiệp cho biết phải thu của khách hàng Công ty TNHH Easy Fashion Macao Commercial Offshore (New Yorrk & Company) đạt 218,8 tỷ đồng; trong đó, đã dự phòng 111,5 tỷ đồng, giá trị có khả năng thu hồi là 107,2 tỷ đồng.

Nhìn về dài hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, Khi nhu cầu dệt may thế giới phục hồi, nhà máy Sông Hồng 10 sẽ là bước chuẩn bị giúp May Sông Hồng nắm bắt nhu cầu đơn hàng xuất khẩu.

Tại Đại hội cổ đông của May Sông Hồng diễn ra vào cuối tháng 6, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, đại dịch và những biến động trên thị trường cũng khiến May Sông Hồng phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư một cách hợp lý nhất.

Lãnh đạo công ty cho biết, dự án nhà máy Sông Hồng 10 đã san lấp xong nhưng hiện đang dừng lại. Công ty sẽ căn cứ tình hình thực tế, nếu thuận lợi, dự án sẽ được triển khai tiếp, có thể vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

Theo các nhà phân tích từ PHS, nhà máy Sông Hồng 10 đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất thiết kế lên 24%, dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng chung của công ty.

Tuy nhiên, việc một khách hàng lớn phá sản đặt ra thách thức cho May Sông Hồng trong việc tìm nguồn khách hàng thay thế.

Do đó, việc phát triển nhà máy phải đi đôi với mục đích hỗ trợ kế hoạch doanh thu của công ty nên đóng góp của nhà máy vào tăng trưởng còn tùy thuộc khả năng thu hút khách hàng mới trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục