Mexico City đứng đầu thế giới về quan trắc chất lượng không khí

12:54' - 25/04/2016
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Mexico City là thành phố đứng đầu thế giới về quan trắc các chỉ số ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
Mexico City đứng đầu thế giới về quan trắc chất lượng không khí. Ảnh: reuters

Hệ thống quan trắc khí quyển (SIMAT), với hơn 40 trạm giám sát phân bổ tại 16 quận của thành phố, kết nối với một hệ thống tương tự của trường Đại học tự trị Mexico (UNAM) cung cấp thông tin hàng ngày vào các đầu giờ sáng và chiều về chất lượng không khí tại từng khu vực ở Mexico City.

Theo điều phối viên về Quan trắc khí quyển thuộc Trung tâm Khoa học Khí quyển của UNAM, Michel Grutter de la Mora, hệ thống quan trắc của Mexico City phân tích nhiều chỉ số gây ô nhiễm không khí như bức xạ mặt trời, lượng khí thải ở tầng đối lưu, các hạt vật chất (PM), ô-xít lưu huỳnh (SO2), dioxit các bon (CO), ôxít nitơ (NOX) và tổng hợp chất hữu cơ (TOC).

Những thông tin do SIMAT cung cấp đã và đang giúp các cơ quan chức năng của Mexico City phác thảo những đề xuất chính sách và áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, tạo môi trường lành mạnh cho các cư dân của thành phố.

Hiện, Mexico City đang áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường thông qua việc cấm tất cả các ô tô, xe máy cá nhân và cơ quan nhà nước lưu thông một ngày làm việc trong tuần và một ngày thứ Bảy trong tháng.

Kế hoạch lưu thông cụ thể được phân theo màu xe và số cuối của biển số. Mặt khác, UNAM đang tham gia chương trình TEMPO của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) về theo dõi khí thải ô nhiễm trong tầng đối lưu - từ bề mặt Trái Đất tới độ cao 7-17 km, phụ thuộc theo vĩ độ (ở 2 vùng cực là 7–10 km) và các yếu tố thời tiết, nhiệt độ giảm dần theo độ cao đạt đến -50°C.

Để tham gia dự án trên, UNAM, một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu Mexico, đã sử dụng các đài quan trắc khí quyển nằm tại Mexico City và khu vực Aztzomo ở Vườn Quốc gia Izta-Popo.

Thông qua chương trình này, các chuyên gia của UNAM sẽ có được những thông số về việc phát thải NOX và CO ở Mexico, Mỹ và Canada. Theo dự kiến, một vệ tinh sẽ được đưa vào quỹ đạo địa tĩnh trong năm 2018 để phân tích những chỉ số trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục