Mexico tăng lãi suất mạnh nhất trong 14 năm qua

13:28' - 24/06/2022
BNEWS Với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 3% (+/- 1 điểm phần trăm), Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) đã tăng lãi suất lần thứ chín liên tiếp.

Đúng như dự báo của giới chuyên gia, Ngân hàng trung ương Mexico ngày 23/6 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, từ 7% lên 7,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, trong bối cảnh số liệu lạm phát mới nhất đã chạm đỉnh trong hơn 20 năm qua.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia công bố tỷ lệ lạm phát ở Mexico đã tăng lên 7,88% trong nửa đầu tháng 6/2022, mức cao nhất kể từ tháng 1/2001.

 

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 3% (+/- 1 điểm phần trăm), Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) đã tăng lãi suất lần thứ chín liên tiếp. Tính từ tháng 6/2021 đến nay, Banxico đã tăng lãi suất cơ bản thêm 375 điểm cơ bản.

Thông cáo do Banxico đưa ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 23/6 nhấn mạnh nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh đang đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, do đó rất có khả năng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Trước áp lực lạm phát vượt dự đoán, Banxico cũng nâng dự báo lạm phát đến cuối năm nay từ 6,4% lên 7,5%, song vẫn kì vọng đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3% trong quý I/2024.

Ông Carlos Morales, giám đốc của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch tại khu vực Mỹ Latinh, nhận định quyết định của Banxico nằm trong dự đoán của thị trường, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này đã đưa ra chính sách tương tự.

Nhà phân tích này cảnh báo có nhiều yếu tố mới có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, như khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất, xung đột ở Ukraine kéo dài và chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn do các biện pháp chống dịch ở Trung Quốc. Fitch dự báo Banxico có thể nâng lãi suất cơ bản lên 8,5% vào cuối năm nay.

Động thái tăng lãi suất nhằm hạn chế tiêu dùng và qua đó kiềm chế lạm phát, song các nhà kinh tế cảnh báo điều này có thể khiến kinh tế suy thoái mạnh. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc Mỹ thắt chặt tiền tệ mạnh tay sẽ gây suy thoái kinh tế, dẫn đến tác động đáng kể ở Mexico do hai nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ.

Mexico đang đối mặt với nền kinh tế trì trệ vẫn chưa hồi phục về mức trước đại dịch. Năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 4,8% sau mức giảm kỷ lục 8,5% trong năm 2020. Vào đầu tháng này, Banxico đã hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 2,4% xuống còn 2,2% trong năm nay, và từ 2,9% xuống còn 2,4% trong năm 2023./.

>>>Mexico thu hút lượng kiều hối kỷ lục

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục