Microsoft mua mạng xã hội LinkedIn: Bước đi sáng suốt hay liều lĩnh?

05:39' - 26/07/2016
BNEWS Hãng Microsoft (Mỹ) quyết định mua mạng xã hội việc làm LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD, đánh dấu một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ thế giới.
Microsoft thâu tóm mạng xã hội việc làm lớn nhất thế giới LinkedIn. Ảnh: Telegraph

Tuy nhiên, quyết định táo bạo của Tổng giám đốc Satya Nadella, với một tầm nhìn đầy tham vọng, liệu có đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm.

Nokia - Bài học cay đắng

Microsoft sở hữu một danh sách dài các công ty mà doanh nghiệp phần mềm số 1 thế giới này đã thôn tính. Trong đó có những thỏa thuận giúp nối dài danh mục đầu tư và đem lại lợi nhuận cho Microsoft, tuy nhiên cũng có những thương vụ không khác gì “chuốc lấy đống nợ”.

Điểm lại những thương vụ đình đám của Microsoft gồm có quyết định mua Hotmail vào năm 1997 với giá khoảng 400 triệu USD. Hotmail là nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử trên nền web đầu tiên, là nền tảng cho các sản phẩm chiến lược của Microsoft cho đến khi hãng bắt đầu khai thác dịch vụ e-mail mới hơn là Outlook.com.

Trong những năm sau đó, Microsoft liên tiếp mua Great Plains (nhà phát triển phần mềm kế toán Dynamics), Yammer (mạng xã hội doanh nghiệp), và Visio - phần mềm biểu đồ phổ biến để hoàn thiện các sản phẩm cốt lõi như bộ ứng dụng Microsoft Office và hệ điều hành Windows.

Năm 2011, "đại gia" phần mềm Mỹ này bất ngờ chi số tiền cao nhất mà họ từng trả cho một vụ sáp nhập để thâu tóm công ty dịch vụ điện thoại Internet Skype (Luxembourg) với giá 8,5 tỷ USD. Đến nay, Skype đã trở thành một ứng dụng quen thuộc trên các thiết bị chạy hệ điều hành iOS và Android và ngày càng được ưu chuộng nhờ tính tương thích cao. 

Đến năm 2014, Microsoft đạt được thỏa thuận mua lại Mojang - nhà phát triển trò chơi Minecraft nổi tiếng của Thụy Điển - với mức giá 2,5 tỉ USD. Đây cũng là thương vụ “khủng” đầu tiên được thực hiện dưới thời CEO Nadella, và đến nay Minecraft được phát triển thêm các đặc tính mới như trải nghiệm công nghệ thực tế ảo (VR) thông qua là ống kính hình ảnh ba chiều HoloLens.

Dù vậy, “ông lớn” phần mềm này không tránh được những quyết định sai lầm trên con đường phát triển của mình. Đơn cử là việc Microsoft mua công ty dịch vụ quảng cáo trực tuyến aQuantive vào năm 2007 với giá 6,3 tỷ USD.

Đây được coi là nỗ lực của Microsoft trong cuộc chạy đua mở rộng thị phần quảng cáo trực tuyến tại lĩnh vực mà Google và Yahoo đang thống trị. Tuy nhiên, đến năm 2012, Microsoft thừa nhận đã mất trắng 6,2 tỷ USD do mảng quảng cáo trực tuyến của họ không đạt được thành công như mong muốn.

Quyết định thâu tóm bộ phận sản xuất thiết bị và dịch vụ di động của Nokia với giá 7,2 tỷ USD vào năm 2013 được đánh giá là một trong những thương vụ “hớ” nhất của Microsoft và cũng là món quà chia tay của cựu CEO Steve Ballmer. “Thảm họa” này không những không giúp tăng lượng sử dụng nền tảng Windows Phone như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Microsoft mà còn khiến họ gánh khoản lỗ khổng lồ.

Theo nhiều tài liệu, với mỗi chiếc điện thoại Windows Phone được bán ra, Microsoft phải bù lỗ 0,12 USD, chưa tính đến chi phí nghiên cứu phát triển và tiếp thị sản phẩm.

Dưới “triều đại” của ông Nadella, năm 2015, Microsoft công bố kế hoạch sa thải hàng nghìn nhân viên khi thất bát trong mảng kinh doanh điện thoại cầm tay Nokia.

Mới đây, Microsoft đã bán mảng kinh doanh điện thoại phổ thông (feature phone) Nokia trong một thương vụ “rẻ như bèo” với trị giá chỉ 350 triệu USD với FIH – một chi nhánh của tập đoàn Foxconn (vùng lãnh thổ Đài Loan) và HMD Global (một công ty Phần Lan). HMD Global do chính công ty Nokia ở Phần Lan tham gia thành lập và như vậy về bản chất, Microsoft đã bán lại quyền sở hữu thương hiệu Nokia cho chính Nokia.

Microsoft đã bán mảng kinh doanh điện thoại phổ thông (feature phone) Nokia trong một thương vụ “rẻ như bèo” với trị giá chỉ 350 triệu USD. Ảnh: cnet.com

LinkedIn - Quyết định táo bạo

LinkedIn là dịch vụ mạng xã hội hướng đến mảng nhân sự-việc làm. Doanh thu của mạng xã hội này chủ yếu đến từ việc bán quyền truy cập thông tin người dùng cho các nhà tuyển dụng.

Thành lập vào năm 2002 và chính thức ra mắt 1 năm sau đó, LinkedIn đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Vào tháng 3/2016, LinkedIn có hơn 433 triệu thành viên, 106 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, LinkedIn vừa thông báo thua lỗ 46 triệu USD trong quý vừa qua và 166 triệu USD cho cả năm 2015 khiến giá cổ phiếu hồi đầu năm của họ tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Khi công bố thỏa thuận mua LinkedIn, CEO Nadella cho hay vụ mua bán mới đưa mạng xã hội việc làm và nền tảng đám mây doanh nghiệp hàng đầu hiện nay đến gần với nhau.

Thương vụ này cũng đóng vai trò "chìa khóa" trong tham vọng đổi mới cách thức kinh doanh và nâng cao năng suất của Microsoft. Tuy nhiên, để tránh lặp lại “vết xe đổ”, LinkedIn vẫn sẽ giữ nguyên "thương hiệu, văn hóa và sự độc lập" của mình, theo đó CEO Jeff Weiner vẫn sẽ đảm nhiệm vai trò người đứng đầu mạng xã hội này.

Kể từ khi đảm nhiệm vị trí CEO vào tháng 2/2014, Giám đốc Nadella đã đưa ra nhiều chiến lược để khôi phục doanh thu của Microsoft, vốn dựa phần lớn vào việc bán bản quyền các sản phẩm như Microsoft Office hay hệ điều hành Windows.

Bên cạnh việc phát triển hệ Windows 10 như một hệ điều hành có mặt trên tất cả các thiết bị thông minh của làn sóng công nghệ hiện nay và dịch vụ điện toán đám mây Azure, v.v, Microsoft tập trung vào khách hàng doanh nghiệp và việc mua mạng xã hội việc làm LinkedIn nằm trong chiến lược phát triển này của họ.

Giới quan sát đánh giá thương vụ này liệu có "đáng đồng tiền bát gạo" hay không thì phải chờ xem cách lèo lái của thuyền trưởng Satya Nadella đối với con thuyền Microsoft./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục