Minh bạch cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày

08:51' - 05/10/2024
BNEWS Các chuyên gia cho rằng ngành dệt may và da giày cần phải thúc đẩy thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Các thị trường nhập khẩu lớn đều đã áp dụng các quy định yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu sản xuất trong chuỗi cung ứng dệt may. Trước áp lực này, các chuyên gia cho rằng ngành dệt may và da giày cần phải thúc đẩy thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch.

 

Hiện nay, bối cảnh cầu tiêu dùng thế giới chưa cải thiện, song xuất khẩu dệt may, da giày 9 tháng năm 2024 vẫn giữ đà phục hồi tích cực với mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là rất khả thi.

Tương tự, đối với ngành da giày, xuất khẩu 9 tháng qua ước đạt trên 20 tỷ USD, nếu duy trì được tốc độ phục hồi như hiện nay là 10% thì dự kiến xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2024.

Việt Nam trở thành nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đơn hàng toàn cầu. Nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, và cuối cùng là gia tăng quy mô xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may, da giày đang có những tín hiệu tăng trưởng tích cực nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nhập khẩu khiến ngành sản xuất trong nước đối mặt với nhiều rủi ro và khó khăn trong cạnh tranh.

Theo các doanh nghiệp dệt may, da giày, việc tự chủ nguyên phụ liệu là một trong những yếu tố sống còn để doanh nghiệp thăng hạng trong quá trình tham gia chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình tự chủ nguyên, phụ liệu đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hôi Dệt may Việt Nam (VITAS), thách thức lớn hiện hữu đó liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, đặc biệt yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA.

Do vậy, việc hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may là vấn đề cần xúc tiến sớm để doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu. Theo quy định của các hiệp định thương mại, để được hưởng ưu đãi thuế, sản phẩm phải có xuất xứ từ vải hoặc sợi sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do nguồn cung nguyên liệu trong nước còn hạn chế, đặc biệt, nguyên liệu vải chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (LEFASO), các thị trường lớn như EU và Mỹ đã siết chặt quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu, nhằm hướng tới một ngành công nghiệp bền vững hơn... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro bị đánh thuế và mất đi thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp da giày. 

Trong 10 năm trước đây, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày chỉ đạt 40%, hiện mức trung bình tăng lên 55%, cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao có thể chủ động 70 - 80%, giày vải chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước.  Trên thực tế, toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

Với lợi thế giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi, đa dạng chủng loại và chất lượng, Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành da giày Việt Nam, với khoảng 35%; tiếp đến là Thái Lan với 11,8%; Italia 10,3%... Ngoài ra, doanh nghiệp da giày trong nước còn nhập khẩu da thuộc từ Mỹ, Hàn Quốc và những thị trường khác, tuy nhiên tỷ trọng mỗi thị trường không cao.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Da giày Tp. Hồ Chí Minh cho biết, công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đã được đề cập rất nhiều năm nhưng chưa đạt được sự mong mỏi của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất… và cần có thêm một lộ trình dài hơi.

Các chuyên gia nhận định, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam chỉ ra rằng, thời gian sắp tới, ngành da giày Việt Nam tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao. Để đáp ứng các điều kiện đó, doanh nghiệp phải cải tiến, đổi mới chất lượng nhân lực cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch LEFASO, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường tự chủ nguồn nguyên liệu là giải pháp cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thời gian gần đây, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, nhằm mục tiêu tự chủ nguồn cung, nhưng thực tế cho thấy, nhiều dự án FDI chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội bộ hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn.

Điều này khiến nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nguyên phụ liệu giá rẻ, đa dạng từ Trung Quốc cũng là một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư trong nước.

Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về xuất xứ hàng hóa và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Theo ông Trương Văn Cẩm nếu không sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu, doanh nghiệp trong nước sẽ không được hưởng những lợi thế, ưu đãi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục