Minh bạch nguồn gốc để nâng cao sức cạnh tranh, uy tín hàng hóa Việt Nam

16:25' - 15/04/2025
BNEWS Từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài khó khăn trực tiếp về mức thuế thì khó khăn gián tiếp sẽ xảy ra là quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Thống kê sơ bộ từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (VCCI chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long) trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Khảo sát nhanh của VCCI từ 125 doanh nghiệp trong vùng thì có đến 84% doanh nghiệp lo ngại chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh năm 2025; trên 53% doanh nghiệp lo ngại hàng hóa bị tăng thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đặc biệt là mặt hàng thủy sản, dệt may và nông sản.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, các khảo sát trước đây cho thấy một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp là vốn. Nhưng trong khảo sát nhanh lần này có đến 78% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hiện nay liên quan đến chi phí logistics tăng cao; các thay đổi trong chính sách thuế quan và rào cản thương mại của Hoa Kỳ; thiếu thông tin thị trường để giúp doanh nghiệp ứng phó kịp thời.

"Doanh nghiệp không chỉ lo sợ mức thuế tăng mà tính không tiên liệu được của các chính sách thuế từ Hoa Kỳ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đối sách của các quốc gia khác liên quan đến vấn đề này", bà Thương Linh cho biết.

Từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài khó khăn trực tiếp về mức thuế thì khó khăn gián tiếp sẽ xảy ra là quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, hay nói khác hơn là những rào cản kỹ thuật đi theo chính sách Hoa Kỳ đang áp dụng.

Phó Giám đốc VCCI Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, đối với doanh nghiệp FDI, sản phẩm hàng hóa đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu xuất khẩu nông, thủy sản - những ngành đòi hỏi chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu với nhiều tác nhân tham gia (nông dân, nhà cung cấp,...). Bài toán về chất lượng chuỗi ngành hàng là điều đáng quan ngại đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi có sự phối hợp, minh bạch nguồn gốc, trách nhiệm của nhiều tác nhân trong chuỗi giá trị.

Hiện nay, Chính phủ đang quan tâm và đưa ra các nghị quyết, chính sách để hỗ trợ liên quan đến số hóa và ứng dụng khoa học công nghệ. Đây sẽ là bước doanh nghiệp quan tâm để góp phần tăng cường chất lượng sản phẩm và quản lý tốt dữ liệu về truy xuất nguồn gốc.

Ở góc độ doanh nghiệp có khoảng 10% sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ (sản phẩm tôm ghẹ, ghẹ đóng hộp), ông Trần Công Sơn, Giám đốc Kho vận và Xuất nhập khẩu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam cho rằng, vấn đề kiểm soát nguồn gốc xuất xứ minh bạch, rõ ràng, không chỉ có trách nhiệm của Chính phủ, sở ban ngành địa phương mà còn của tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải từng bước nghiêm túc thực hiện vấn đề kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ bởi vì mỗi doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp của từng địa phương và của quốc gia làm tốt thì sẽ giúp đàm phán đạt kết quả tốt hơn.

Nằm trong nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, may mặc cũng cần phải minh bạch về xuất xứ, theo ông Ngô Văn Chơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô (thành phố Cần Thơ), không thể tránh khỏi "một con sâu làm rầu nồi canh", rất mong Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn được vấn đề gian lận xuất xứ bởi Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề này khi nhập khẩu mặt hàng may mặc của Việt Nam.

Về phía quản lý chính quyền nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển mong muốn doanh nghiệp phải quan tâm vấn đề truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ; quản lý tốt nguyên liệu, chi phí, giá thành,... để tăng lợi nhuận.

Ông Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố Cần Thơ sẽ chỉ đạo quyết liệt Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương chỉ đạo tăng cường xử lý truy xuất nguồn gốc, tránh trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh"; đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, uy tín hàng hóa Việt Nam.

Trước chính sách thuế mới của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam, hiện các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa chủ động tìm giải pháp để ứng phó vừa theo dõi sát diễn biến sau 90 ngày Hoa Kỳ hoãn áp dụng mức thuế mới. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào kết quả đàm phán thương mại từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn và bảo vệ năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục