Mitsubishi Estate chi 3,3 tỷ USD đón đầu xu thế xe điện và xe tự hành

08:58' - 06/12/2023
BNEWS Mitsubishi Estate (Nhật Bản) đang lên kế hoạch chi 500 tỷ yen (3,3 tỷ USD) trong thập kỷ tới để phát triển cơ sở hậu cần và xây dựng các nhà kho có thể lưu trữ pin ô tô hoặc chứa xe tải tự hành.

Theo Nikkei Asia, tập đoàn bất động sản, đây là bước đi mới nhất của tập đoàn nhằm đón đầu xu thế chuyển sang xe điện và phát triển xe tự hành nhằm đối phó với tình trạng thiếu lái xe tại Nhật Bản.

 

Khoản đầu tư lần này của Mitsubishi Estate sẽ gấp 3,5 lần số tiền chi tiêu trong 10 năm trước, trong đó một phần kinh phí sẽ được dùng để xây dựng các cơ sở chuyên dụng chứa pin EV, loại pin dễ cháy nổ nên không thể chứa trong các nhà kho thông thường.

Theo kế hoạch, Mitsubishi Estate sẽ xây dựng một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của tập đoàn với diện tích sàn 178.70 m2 ở Zama, tỉnh Kanagawa. Khu vực chứa pin EV sẽ được làm tường chống cháy, cột trụ và các cấu trúc chuyên dụng.

Tập đoàn  cũng sẽ xây dựng các trung tâm tương tự khác ở Kanagawa và Saitama để khuyến khích nhu cầu chuyển đổi sang xe điện. Bên cạnh đó, Mitsubishi Estate cũng sẽ xây dựng cơ sở có thể chứa các phương tiện tự hành.

Tiêu chuẩn lao động sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2024 đặt ra mức trần về thời gian làm thêm giờ cho tài xế giao hàng gây ra tình trạng thiếu lái xe - được gọi là “vấn đề năm 2024” của Nhật Bản và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của xe tải tự hành. Dự kiến, tập đoàn sẽ hoàn thành một trung tâm có cơ sở hạ tầng để tiếp nhận xe tải tự lái cấp 4 vào năm 2026 tại tỉnh Kyoto.

Công ty cũng đang liên kết với T2 - một công ty khởi nghiệp đang phát triển công nghệ tự lái cho xe tải cỡ lớn ở tỉnh Chiba, để thiết kế dịch vụ hậu cần và phát triển hệ thống cho xe tự hành.

Mitsubishi cho biết, trong thập kỷ tới, tập đoàn sẽ mở rộng mạng lưới 21 cơ sở hậu cần hiện tại lên 40 cơ sở để đáp ứng nhu cầu mới về chuỗi cung ứng. Tổng diện tích sàn sẽ tăng 50% lên 4,25 triệu m2.

Theo Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản, năm 2022 các kho chứa vật liệu nguy hiểm có diện tích 704.000 m2, tăng 60% so với một thập kỷ trước đó. Ngành công nghiệp bán dẫn có nhu cầu lưu trữ khí áp suất cao dự kiến cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các nhà kho chuyên dụng.

Đầu năm nay, "gã khổng lồ" logistics Nhật Bản Seino Holdings đã thành lập Phòng hậu cần ắc quy ô tô với nhiệm vụ mở rộng chuỗi xử lý các vật liệu liên quan đến pin lithium-ion. Dự kiến, tháng 1/2024, Seino sẽ mở một nhà kho chứa vật liệu nguy hiểm ở Zama và sẽ khai trương một nhà kho vật liệu nguy hiểm khác tại Kanagawa vào đầu năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục