Mở cửa du lịch - cơ hội đón đầu nhu cầu du lịch toàn cầu

09:23' - 14/03/2022
BNEWS Sau thời gian dài đóng cửa bầu trời vì dịch COVID-19 và sau 3 tháng thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine, từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế.

Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt kịp thời cho những người làm du lịch, cơ hội để Việt Nam sớm phục hồi ngành công nghiệp không khói.

Cơ hội đón đầu nhu cầu du lịch toàn cầu

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Theo báo cáo của UNWTO, dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành Du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế.

Hiện nay, sau hơn hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID-19” sang “thích ứng, chung sống với COVID-19”.

Nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế; Liên minh Châu Âu cũng đã mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.

Đối với Việt Nam, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

Đã có khoảng 30% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú phải đóng cửa; 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng, trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là: hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch…

Tuy vậy, năm 2021, Du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng một loạt các giải thưởng quốc tế uy tín như: Việt Nam là Điểm đến văn hóa, Điểm đến di sản, Điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á.

Việt Nam cũng được tạp chí Travel & Leisure của Mỹ xếp hạng đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến danh cho du lịch cá nhân năm 2021, được CNN Travel đưa vào danh sách 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2/2022, giúp ngành du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch với các chương trình đón khách trong nước và quốc tế linh hoạt, an toàn. Qua đó mang lại những kết quả tích cực.

Nếu như năm 2021, toàn ngành du lịch Việt Nam chỉ đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế, thì trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 17,6 triệu lượt.

Riêng tháng 2/2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu từ khách du lịch tháng 2/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.

Và dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cũng cho thấy, ngay từ tháng 1/2022, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam đã tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021.

Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới nên đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay.

Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó.

Đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

 

Tuy nhiên, đối với yêu cầu đảm bảo an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc mở lại hoạt động du lịch cần đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.

Tại diễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 11/3, ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác của phòng chống dịch, khi Hà Nội và 62 tỉnh, thành phố có độ phủ vaccine cao, số ca mắc lớn nhưng không nhiều triệu chứng nặng. Với kinh nghiệm, năng lực đã có, hệ thống y tế sẽ không quá tải, tỷ lệ tử vong không cao.

Đây là lý do chúng ta có thể mở cửa. Điều quan trọng nhất, ngành du lịch cần xây dựng phương án theo đặc thù của từng loại hình du lịch. Và phải làm đồng bộ, tránh mỗi nơi một kiểu, gây bối rối cho du khách.

Riêng về công tác phòng, chống dịch, ông Phu cho rằng hiện nay có thể áp dụng linh hoạt, khuyến khích đeo khẩu trang tối đa nhất có thể và khử khuẩn tay. Về khoảng cách, nên chia theo nhóm, theo đoàn và tránh tụ tập giữa các đoàn.

Đại diện ngành du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Cụ thể, tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết; thứ hai là việc khôi phục các chuyến bay thương mại, không hạn chế các chuyến bay quốc tế; thứ ba, cấp thị thực (áp dụng chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019); thứ tư, công nhận “hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng các quốc gia, vùng lãnh thổ; thứ 5, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; thứ sáu, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh điểm đến; và cuối cùng là duy trì trao đổi, kết nối với các thị trường trọng điểm trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá.

Với những biện pháp và lộ trình đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm, trải nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng cho du lịch Việt Nam trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới đạt hiệu quả đề ra. Tổng cục Du lịch cũng mong muốn Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn phòng, chống dịch để ngành du lịch áp dụng

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Về phía các địa phương, theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để chuẩn bị cho việc mở cửa các hoạt động du lịch trở lại, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 4.000 doanh nghiệp với kinh phí gần 15 tỷ đồng, miễn giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú, giảm tiền ký quỹ 80% đối với doanh nghiệp khi thành lập mới.

Đồng thời, đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá du lịch ra thế giới cũng như thu hút khách du lịch trong nước đến Hà Nội; xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng an toàn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Hà Nội cũng đã chủ trì cùng với 12 địa phương tiến hành chương trình kết nối hành lang du lịch an toàn ngay trong giữa các địa phương.

Hà Nội đã giao Tổng công ty Du lịch Hà Nội đang triển khai các sản phẩm kết nối với các địa phương để thúc đẩy ngay du lịch của người dân.

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, cũng như đội ngũ hướng dẫn viên để đón du khách quốc tế khi Việt Nam thực hiện mở cửa hoàn toàn trở lại.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc, năm 2022, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức theo hướng bốn mùa lễ hội, với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm, sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong thời gian tới.

Bên cạnh thế mạnh về du lịch di sản, những năm gần đây, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực xây dựng thương hiệu là một điểm đến an toàn, kinh đô áo dài, kinh đô ẩm thực, qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, đặc sắc.

Ngoài ra, dự kiến vào quý IV năm 2022, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 thuộc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

Đây là tiền đề quan trọng góp phần tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến với địa phương…. ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục