Mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế làm đòn bẩy để phục hồi ngành du lịch

22:50' - 15/03/2022
BNEWS Ngày 15/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị "Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả".

Chiều tối ngày 15/3, cũng là ngày chính thức công bố mở cửa du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị "Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả".

Đây cũng là Hội nghị về du lịch lần đầu tiên có sự tham dự của tất cả 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không. Qua đó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng lớn và quyết tâm cao của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương mở cửa du lịch đã được Chính phủ thông qua.

* Công tác triển khai mở cửa cần linh hoạt

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò chủ động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao trong việc tổ chức Hội nghị đặc biệt này, vào cùng thời điểm Việt Nam tuyên bố mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế trong tình hình mới.

“Trọng tâm của chúng ta hiện nay là lấy chiến dịch mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế làm đòn bẩy để nhanh chóng phục hồi toàn ngành du lịch nói riêng và phục hồi kinh tế, xã hội nói chung”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nội dung hội nghị đã thảo luận về công tác mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và phối hợp giữa ngành du lịch và ngoại giao, đặc biệt phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên để phục hồi và phát triển du lịch như trước đại dịch đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của tất cả các cấp, Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo trong triển khai mở cửa du lịch “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đảm bảo hoạt động du lịch an toàn, đây là yêu cầu tiên quyết và quan trọng nhất cho thành công của chiến dịch mở cửa lại du lịch quốc tế. Công tác triển khai mở cửa cũng cần linh hoạt, thích ứng với điều kiện của từng địa phương, không áp dụng cứng nhắc kế hoạch mở cửa giống nhau khi các địa phương còn có cấp độ dịch khác nhau.

Về vấn đề về con người, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch phải tìm biện pháp để nhanh chóng thu hút và lôi kéo trở lại các lao động có kinh nghiệm, để số lượng và chất lượng của lực lượng lao động có thể tương ứng với tốc độ tăng trưởng của du khách. Phải dồn tổng lực vào thời điểm này, để truyền thông và quảng bá xúc tiến hình ảnh về du lịch Việt Nam quay trở lại mạnh mẽ trong ấn tượng của khách quốc tế. Chúng ta không được chậm chân so với các nước trong khu vực về công tác truyền thông mở cửa du lịch.

Do vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện các công tác liên quan, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế. Làm sao để du khách có ấn tượng tốt và phản hồi tích cực, không để xảy ra những tin tức tiêu cực về chất lượng sản phẩm làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong thời điểm mở cửa then chốt này.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự vào cuộc của các cấp, Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp du lịch, với sự sẵn sàng của ngành du lịch Việt Nam, công tác mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế sẽ đạt được hiệu quả, hướng đến khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, để năm 2022 là một năm khởi sắc của du lịch Việt Nam.

*Tự tin mở cửa du lịch, đón du khách quốc tế

Tại hội nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế có vai trò, vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội đất nước, được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư để trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư, có tác động lan tỏa mạnh đối với các ngành kinh tế liên quan. Tổng thu của ngành du lịch năm 2019, đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp gần 10% vào GDP cả nước. Du lịch cũng góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động; giúp phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa, các di sản thiên nhiên và quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội với bạn bè quốc tế.

Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, do vậy việc mở cửa du lịch để phục hồi, “vực dậy” ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn trong hơn hai năm qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết. Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Ông Nguyễn Minh Vũ cho biết thêm, chủ trương, chính sách mở cửa du lịch chúng ta đã có. Nhiệm vụ quan trọng là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, an toàn, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ Văn hóa thể thao và Du Lịch, Bộ Ngoại giao trong viêc  quyết tâm về việc mở cửa, với việc miễn thị thực nhằm tạo cú hích để thúc đẩy quảng bá cho ngành ra các thị trường du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun Group cũng đưa ra các điểm nghẽn đang khiến các doanh nghiệp ko thể triển khai được đó là các quy định về y tế, hiện chưa có quy định mới khiến tất cả mọi quy trình kiểm soát y tế vẫn là quy trình cũ gây khó khăn, mệt mỏi cho khách.

Cần rà soát việc áp dụng ở từng khâu từng chặng để đảm bảo thông suốt và tạo thuận lợi thực sự - vì có nhiều quy định tưởng nhỏ mà lại rất phiền cụ thể như việc khaibaoyte.vn tại các sân bay và cửa khẩu nhập cảnh.

Bà Trần Nguyện cũng kiến nghị việc mở cửa cần đi kèm với chiến dịch quảng bá mạnh của các bên liên quan; không chỉ là hội chợ, roadshow, event… mà đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì cùng Bộ Ngoại giao mời các tổ chức, các Đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam để thông tin về chính sách thị thực  mới và chương trình mở cửa du lịch.

Hơn nữa trên các trang tin liên quan của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đề nghị đăng tải rõ, nhấn vào các chính sách mới và có đầu mối/hotline để tương tác hiệu quả với du khách, cải thiện các vấn đề mà du khách hay phàn nàn về quy  trình thủ tục visa còn nhiều khó khăn…

Bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đưa ra một số khó khăn về quy định nới lỏng điều kiện nhập cảnh và cách ly cho khách du lịch quốc tế chưa được ban hành; chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút khách.

Theo bà Phạm Thị Nguyệt, khi các chính sách chưa được ban hành rõ ràng, chi tiết, thì các doanh nghiệp rất khó khăn khi thực hiện và chưa dám mạnh dạn đầu tư để phục hồi thị trường, cạnh tranh với các điểm đến khác.

Hiện nhiều doanh nghiệp, công ty, hộ kinh doanh phục vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID-19 dẫn đến phá sản, tình hình tài chính khó khăn do dịch bệnh kéo dài, khả năng đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trong ngành cần thời gian để hồi phục lại năng lực phục vụ như trước COVID-19.

Bà Phạm Thị Nguyệt đề xuất, Chính phủ sớm công bố thông tin về việc mở cửa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế. Theo đó, có thể xem xét gỡ bỏ quy định xét nghiệm trước và sau khi đến Việt Nam. Khôi phục chính sách miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm như trước đây. Xem xét các biện pháp nới lỏng chính sách về visa hơn như: tăng số lượng thị trường được miễn thị thực đơn phương, được làm visa online; tăng thời gian hiệu lực của visa, cho phép gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng - bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã khôi phục chính sách miễn thị thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phục vụ các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm.

Đây là tín hiệu đáng mừng để các địa phương thu hút khách từ các thị trường này như trước đây. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các hướng dẫn cụ thể về chính sách xuất nhập cảnh, điều kiện y tế… nên các doanh nghiệp khó có thể gửi thông tin đến các đối tác và sẵn sàng cho công tác thu hút khách. Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…, làm giảm lợi thế cạnh tranh để thu hút khách quốc tế.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh Bộ Y tế, kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sớm có hướng dẫn về quy định y tế đối với khách quốc tế như áp dụng đối với khách nội địa và đơn giản hoá thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đề xuất Bộ Y tế thống nhất chủ trương: đối với khách quốc tế có kết quả xét nghiệm dương tính khi nhập cảnh, nếu ở thể nhẹ thì điều trị tại khách sạn cho đến khi âm tính như điều trị tại nhà, khách thể nặng điều trị tại bệnh viện.

Theo Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Bộ Ngoại giao sớm có hướng dẫn về cấp thị thực điện tử; hướng dẫn quy định nhập cảnh cụ thể đối với khách tàu biển.

Về một số nội dung được các doanh nghiệp du lịch, hàng không, cơ quan đại diện nước ngoài nêu ra tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch.

Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch./.

>>>Công bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục