Mở đường cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối

18:36' - 05/10/2023
BNEWS Mặc dù các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm của khu vực này còn rất thấp ở kệ hàng hóa trong siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, rất cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sâu hơn vào hệ thống phân phối. 

Chia sẻ tại Toạ đàm Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/10, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều Chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tích cực cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng thế mạnh của bà con, hỗ trợ sản phẩm vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Dịch vụ kết nối giữa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hệ thống phân phối đã được đáp ứng và phát triển rất mạnh từ dịch vụ giao nhận, vận chuyển, logistics cho đến dịch vụ gia công, bao bì đóng gói và tất cả dịch vụ có liên quan.

Đáng lưu ý, rất nhiều mặt hàng, doanh nghiệp, tỉnh đã có hàng chục mặt hàng đặc trưng đặc sản, lợi thế của từng vùng thâm nhập được vào hệ thống phân phối hợp lớn, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, dịch vụ kết nối giữa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hệ thống phân phối đã được đáp ứng và phát triển rất mạnh từ dịch vụ giao nhận, vận chuyển, logistics đến dịch vụ gia công, bao bì đóng gói và tất cả các dịch vụ có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Hội- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương( Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Đồng thời, dịch vụ thanh toán, tiền tệ, tất cả lĩnh vực đều đã có những sự kết nối phát triển và kết nối thị trường, nhất là thúc đẩy giữa kết nối thị trường khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với thị trường có sức tiêu thụ lớn của trung tâm kinh tế thương mại các tỉnh, thành trên cả nước.
 

Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương, tỉnh Bắc Kạn cho biết, nhờ đa dạng hoá sản phẩm từ bí xanh thơm Bắc Kạn đã được tiêu thụ tại hệ thống phân phối. Qua đó, giúp xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Có thể khẳng định, việc phát triển chế biến sâu sản phẩm từ quả bí thơm nhằm nâng cao giá trị kinh tế cũng như ổn định đời sống cho bà con là một hướng đi đúng đắn và là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Theo bà Ma Thị Ninh, năm 2022, Hợp tác xã Yến Dương kết hợp nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh để phát triển và chế biến ra sản phẩm trà bí thơm. Qua đó, mang lại lợi nhuận kinh tế và được nhiều người ưa chuộng cũng như đối tác đặt hàng với số lượng lớn.

Hiện nay, sản phẩm trà bí thơm của hợp tác xã đã đạt OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao và chất lượng cũng đang đạt hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS và chuyển đổi của VietGAP. Cùng đó, việc chế biến ra sản phẩm trà bí thơm luôn được cải tiến, thay đổi mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm.

Mặc dù đã đưa được sản phẩm bí xanh thơm vào hệ thống phân phối nhưng hợp tác xã vẫn gặp phải một vài khó khăn do không được trực tiếp ký kết hợp đồng, chỉ thông qua một số đối tác để đưa sản phẩm vào Big C, WinMart, MM Mega Market…

Hơn nữa, trong chuỗi liên kết quả bí xanh thơm, năm 2023 tổng cả tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha; trong đó, Hợp tác xã Yến Dương chỉ có 20 ha, quy ra sản lượng hàng năm tiêu thụ từ 500 - 700 tấn. Ngoài ra, Hợp tác xã giữ lại một phần sản lượng để chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị.

Để thúc đẩy tiêu thụ, Hợp tác xã Yến Dương đã được tham gia nhiều hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để tiếp cận, kết nối với chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại để mở rộng thị trường. Đặc biệt, vận chuyển và kho bãi của hợp tác xã cũng là vấn đề khó khăn vì phải bán cả nghìn quả bí thơm và tính theo tấn nên hợp tác xã phải thuê xe tải chở hàng. Thế nhưng, đầu dưới này lại không có kho bãi để lưu lại chờ mang hàng lên kệ.

Hơn nữa, mặt dù sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương đã vào các hệ thống chuỗi thực phẩm sạch như: Sói Biển, Bác Tôm, Big Green, nhưng số lượng hàng cũng còn quá nhỏ, chưa đủ để tiếp cận và mang lại giá trị nhiều cho bà con. Mặc dù đã tiêu thụ thành công nhưng quá trình tiêu thụ kéo dài, dẫn đến hạn chế về vấn đề hàng tồn.

Ông Kiều Song Hào, Giám Đốc Thu mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam cho hay, thời gian qua, MM Mega Market phối hợp cùng Bộ Công Thương đưa sản phẩm đặc trưng của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chuỗi siêu thị của mình trải dài từ Bắc vào Nam.

Thực hiện Chính sách của Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ Công Thương cũng đã triển khai cho chuỗi hệ thống siêu thị và MM Mega Market cũng là một trong số đơn vị đồng hành, cùng phát triển, cùng phối hợp với hai bên, với các sở, ban, ngành để làm hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện tại, sản phẩm của các tỉnh phía Bắc đã được kết nối, trung chuyển và đưa thẳng vào trong toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị của MM Mega Việt Nam. Từ quả bí thơm của Hợp tác xã Yến Dương hay hạt dẻ của Bắc Kạn, hệ thống siêu thị đã kết nối thành công đến tận Rạch Giá, Kiên Giang.

Một tháng trở lại đây, tại hệ thống siêu thị MM Mega Market đang diễn ra Lễ hội nông sản Tây Bắc thì tất cả sản phẩm của Tây Bắc đều có mặt trải dài từ Bắc vào Nam, đến hết tháng 10/2023.

Sau hoạt động này, sẽ có một số hoạt động về trái cây đầu vụ của Bắc Giang, Hoà Bình. Đây là những sản phẩm mà MM Mega đã và đang đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân, các tỉnh thành, hợp tác xã.

Nhằm hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ. Cùng đó, cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để hỗ trợ đưa sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số vào chuỗi cung ứng; mong muốn hệ thống phân phối chung tay hỗ trợ đưa sản phẩm của bà con vào chuỗi siêu thị.

Đặc biệt, triển khai chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng; nâng cấp đầu tư; nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh cho sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đối với vùng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, hạ tầng và công nghệ vẫn còn hạn chế. Vì vậy giải pháp Gia Lai đưa ra là tăng cường công nghệ, mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại hơn trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn cao.

Cụ thể, như tiêu chuẩn VietGAP để mang lại hiệu quả cao hơn, có thể thực hiện được chương trình bán hàng, chương trình chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ giao thương với thị trường lớn.

Cùng đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển loại hình thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với phong tục, tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương.

Về kênh siêu thị, hiện Co.op Mart và WinMart là hai siêu thị có thế mạnh của tỉnh Gia Lai và một số siêu thị bán lẻ lớn ở các tỉnh khác. Các tỉnh, thành phố cũng mong muốn doanh nghiệp tìm hiểu thêm về sản phẩm có thế mạnh của tỉnh để từng bước hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của địa phương vào tiêu thụ trên kệ của siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, cần triển khai chính sách ưu đãi, kêu gọi phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, lồng ghép nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để nâng cấp, cải tạo các trung tâm, chợ nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hội cho hay, Bộ Công Thương sẽ triển khai thiết thực các Chương trình mục tiêu quốc gia, hoạt động hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản phẩm mang đậm đặc trưng dân tộc trong thời gian tới. Đồng thời, hoàn thiện chính sách; giải quyết các vấn đề về kho bãi, logistics; phát triển kênh thương mại điện tử, triển khai hạ tầng thương mại, nhất là chợ đầu mối; tăng cường truyền thông và quảng bá sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số;Chương trình phát triển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình khuyến công quốc gia... nhằm đạt hiệu quả thiết thực trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục