Mô hình điểm nuôi chim bồ câu lai Pháp

06:15' - 29/11/2020
BNEWS Mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp của anh Trần Công Chiến (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã trở thành điểm “hot” để người dân có nhu cầu học hỏi chăn nuôi.
Những người đã từng về thăm trại của gia đình anh Trần Công Chiến ở xã Minh Long, huyện Chơn Thành (Bình Phước) ấn tượng đầu tiên là hàng ngàn cặp chim bồ câu lai Pháp được nuôi nhốt trong lồng xếp thành các dãy dài trong khoảng diện tích hơn 1.000m2. Từ hiệu quả kinh tế mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, mô hình của anh Chiến đã trở thành điểm “hot” để người dân có nhu cầu học hỏi chăn nuôi.

Dẫn chúng tôi vào khu trại chăn nuôi bồ câu, anh Chiến chia sẻ cơ duyên đưa gia đình anh phát triển mô hình chim bồ câu lai Pháp. Ban đầu anh Chiến chỉ mua 4 cặp bồ câu lai Pháp từ thành phố Đà Lạt nhằm mục đích làm thực phẩm để cho vợ tẩm bổ. Trong quá trình nuôi, anh nhận thấy giống chim này dễ nuôi, chóng lớn, giống to, hạn chế bệnh tật, ít công chăm sóc chăm, dễ tiêu thụ… Từ đó, gia đình anh đã quyết định đầu tư nuôi vật nuôi này.

Đến nay, sau 8 năm, anh Chiến đã sở hữu trên 10 nghìn cặp bồ câu giống, mỗi tháng bán ra thị trường trên hàng ngàn cặp bồ câu thương phẩm đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/tháng. Trung bình bán ra thị trường 1.000 cặp sẽ lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí đầu tư.

Theo anh Chiến, chi phí ban đầu để nuôi một cặp chim bồ câu sinh sản chỉ khoảng 600 nghìn đồng, gồm: con giống, lồng nuôi và các phụ kiện như máng ăn, uống, khay hứng phân, ổ ấp trứng. Quá trình nuôi trong chuồng trại phải cần đảm bảo không gian thông thoáng và có nhiều ánh sáng để chim phát triển tốt.

Đối với mô hình nuôi số lượng lớn như gia đình anh Chiến hiện nay, lồng được xếp thành nhiều tầng để tận dụng tối đa diện tích, giảm chi phí đầu tư và thuận lợi trong các khâu chăm sóc.

“Ban đầu chỉ nuôi chơi, nhưng sau khi thấy có tiềm năng nên vợ chồng tôi đã quyết định mở rộng chuồng trại đầu tư. Đặc biệt, thức ăn của bồ câu chủ yếu là bột cám, gạo, bột bắp có sẵn tại địa phương. Một cặp chim bồ câu ăn 100g/ngày, tính ra chi phí tốn khoảng 1.000 đồng. Thức ăn và nước uống của chim được lắp đặt theo hệ thống dây chuyền.

Vì vậy, với số lượng 10 nghìn con như hiện nay, gia đình anh Chiến chỉ cần 2 người làm chủ yếu cho chim ăn, uống và dọn vệ sinh, chăm sóc thú y là đủ”, anh Chiến chia sẻ.

Anh Chiến cho biết thêm, nếu nuôi tốt, sau từ 4-5 tháng tuổi bồ câu bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, mỗi lứa đẻ 2 trứng, sau 16-20 ngày ấp sẽ nở chim non. Khoảng 4-7 ngày sau, chim mái tiếp tục đẻ trứng, cứ như vậy, trong vòng 1 năm, từ 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ sinh sản khoảng 12-13 lần và duy trì suốt 5 năm. Chim non sau 13 ngày thì tách mẹ để bán. Giá 50.000 đồng/con với trọng lượng khoảng 300-400g/con.

Bình quân mỗi tháng, gia đình anh bán 10.000 con với doanh thu 500 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi từ 60- 70%. Ngoài ra, chưa kể phân bồ câu hằng ngày thu gom bán cho các nhà vườn xung quanh với giá 20 nghìn đồng/bao, gom đến đâu bán hết đến đó cho người dân có nhu cầu.

Từ hiệu quả kinh tế của gia đình, anh Chiến đã không ngần ngại chia con giống, kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong khu vực và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, hiện nay đã có hơn 16 hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết với quy mô mỗi trang trại từ 1.000 đến 5.000 cặp, qua đó góp phần phát triển kinh tế hộ tại địa phương.

Chị Lê Thị Phúc, ngụ xã Thanh Lương, thị xã Bình Long bày tỏ, “Chim bồ câu ở đây chất lượng tốt nên nhiều năm nay tôi lấy thường xuyên để bán tại các chợ địa phương. Một tuần lấy hàng trung bình từ 500 đến 1.000 con. Từ khi trại của gia đình anh Chiến nuôi với số lượng lớn, nơi đây trở thành mối lấy hàng lớn nhất, uy tín và không thiếu hàng để giao cho các chợ, nhà hàng có nhu cầu tiêu thụ”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Long, huyện Chơn Thành Đồng Thị Mùa Xuân cho biết, ở đây về nông nghiệp người dân chủ yếu trồng cao su, đất đai rộng nên có điều kiện phát triển chăn nuôi. Bồ câu giống này dễ thích nghi với điều kiện khí hậu, địa lý ở đây. Như gia đình anh Chiến nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhân công thì ít. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ định hướng các hộ nhà nông có nhu cầu phát triển mô hình này để tham quan, học hỏi”.

Với ý chí không ngừng tìm tòi học hỏi cách bổ sung dinh dưỡng, nhờ  “mát tay” nuôi, lứa chim bồ câu của gia đình anh Chiến phát triển nhanh và sinh sản tốt. Những con chim bồ câu luôn được các thương lái trong và ngoài tỉnh mua và đặt hàng thường xuyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục