Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học và câu chuyện lợi ích cho 3 bên

17:28' - 30/07/2020
BNEWS Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho 3 bên: Nhà trường - học viên - doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học” ngày 30/7, tại Cần Thơ do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho 3 bên: nhà trường - học viên - doanh nghiệp.

Từ đó, mang lại lợi ích cho xã hội khi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt trong thời gian ngắn nhất.

Cụ thể, trong mô hình này, nhà trường giảm được kinh phí đầu tư môi trường thực tập cho sinh viên như: máy móc, thiết bị, nhà xưởng, chuyên gia hướng dẫn sử dụng thiết bị….

Học viên được học đi đôi với hành, thạo nghề từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường do thường xuyên được cọ xát giữa lý thuyết trên lớp với môi trường thực tập thực tế.

Doanh nghiệp có nguồn nhân lực chủ động, chất lượng, giảm thời gian và chi phí tái đào tạo sau khi tuyển dụng, thông qua hợp đồng phối hợp đào tạo và cam kết tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Mô hình hoạt động này sẽ góp phần đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường, giúp sinh viên thực sự quen với môi trường làm việc của doanh nghiệp đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức ngay sau khi tốt nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, nhà trường đã thành lập các doanh nghiệp theo mô hình “doanh nghiệp trong trường học” như: Tập đoàn Nam miền Nam, Bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty Thương mại Nam Cần Thơ DNC, Showroom ô tô Nam Cần Thơ DNC…

Đồng thời, Trường Đại học Nam Cần Thơ còn liên kết với các đối tác như Tập đoàn TaTa International, Tập đoàn ISUZU, Tập đoàn Vingroup, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Dược Hậu Giang, HDBank, Misa, FPT, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ trong dạy và học.

Đây là những doanh nghiệp song hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo, tạo môi trường thực tập cho sinh viên và tiếp nhận sinh viên vào làm sau khi tốt nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 95% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, cùng với việc xin thành lập trường Đại học Nam Cần Thơ, Hội đồng quản trị còn lập một doanh nghiệp, đó là Tập đoàn Nam miền Nam.

Đây là tập đoàn đã thi công xây dựng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Khoa đầu tiên của trường chính là khoa Xây dựng và Kiến trúc, sinh viên được thực tập ngay tại Tập đoàn Nam miền Nam.

Sau đó, trường mở tiếp các ngành về dược, cơ khí ô tô, công nghệ thông tin, sức khỏe... thì đồng thời lập thêm Viện Nghiên cứu phát triển dược liệu DNC, bốn xưởng cơ khí, Công ty Thương mại Nam Cần Thơ DNC và Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ.

Với ngành cơ khí ô tô, ngoài việc thực hành tại bốn nhà xưởng về động cơ, điện tử, nguội, tiện, phay, bào, hàn... sinh viên còn được học và thực hành tại Công ty Thương mại Nam Cần Thơ DNC, chuyên lắp ráp, bảo trì, bảo hành, mua bán, kinh doanh và làm các dịch vụ khác về ô tô.

Công ty này và Khoa Cơ khí Động lực vừa cho ra đời sản phẩm xe điện năng lượng mặt trời DNC 9 chỗ ngồi.

Trong ngành sức khỏe, Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ 300 giường, dự kiến tháng 5/2021 sẽ hoạt động.

Bệnh viện này, ngoài việc khám, chữa bệnh, phục vụ cho cộng đồng thì đây là môi trường học tập và thực hành cho sinh viên ngành xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, y đa khoa, dược và cả ngành quản lý bệnh viện.

Về mô hình doanh nghiệp trong nhà trường cho ngành du lịch và quản trị nhà hàng, Trường Đại học Nam Cần Thơ đang tiến hành xây dựng khu du lịch sinh thái, nhà hàng – khách sạn, viện dưỡng lão,... sẽ là nơi thực tập của sinh viên các khối ngành này.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Trí – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam – cho rằng, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học giúp rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn.

Sự thay đổi tư duy, chuyển hướng từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng gắn với yêu cầu thực tiễn là xu hướng tất yếu trong chuyển giao tri thức và khoa học công nghệ.

Theo ông Trí, với mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc ở các vai trò: xây dựng mạng lưới phân tích, đánh giá và dự báo nhu cầu cung – cầu nhân lực để điều tiết giáo dục đào tạo cho phù hợp; đồng thời hoàn thiện cơ chế hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trên tinh thần độc lập tự chủ; hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp thành lập các quỹ đầu tư phát triển chung để gia tăng sự ràng buộc, nâng cao tính năng động cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên kết…

Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh thành phố Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đưa ra nhận định: Theo các báo cáo về nguồn lao động tại các nước đang phát triển và các nước phát triển, xu hướng thay đổi tỷ lệ việc làm theo các ngành sử dụng lao động đang chuyển dịch từ các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, sản xuất… sang dịch vụ thị trường và dịch vụ phi thị trường (hoạt động tài chính, giáo dục, y tế…).

Đây cũng là một trong những dấu chỉ để nhà trường và doanh nghiệp tham khảo trong việc định hướng đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục