Mô hình nào cho kinh tế thế giới hậu đại dịch COVID-19?

16:56' - 30/04/2020
BNEWS Nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhưng theo mô hình nào, chữ "U", "V", "W" hay "L", sẽ tùy thuộc vào thời gian kéo dài dịch bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng của nó.

Tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái hết sức nghiêm trọng trong năm 2020, với một loạt nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý I/2020.

Triển vọng phục hồi một khi dịch bệnh đi qua đang là vấn đề được giới phân tích quan tâm.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhưng theo mô hình nào, chữ "U", "V", "W" hay "L", sẽ tùy thuộc vào thời gian kéo dài dịch bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng của nó.

Theo kết quả khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu đà suy giảm mạnh nhất lịch sử trong năm nay, với “đồ thị phục hồi” sẽ theo hình chữ “U”.

Cuộc khảo sát của Reuters, được tiến hành với hàng trăm chuyên gia kinh tế trong những tuần qua, cho thấy hầu hết các chuyên gia cho rằng các nền kinh tế lớn đang ở giữa thời kỳ suy thoái nghiêm trọng và sự phục hồi của họ được dự đoán sẽ theo hình chữ “U”.

Hơn 55% hoặc 87 trong số 155 nhà kinh tế cho biết sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ có hình chữ “U”.

Trong khi đó, 31 nhà phân tích nói rằng nó sẽ có hình chữ “V”. Một số ít lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng đồ thị phục hồi sẽ có hình “W” hoặc thậm chí là chữ “L”.

Báo cáo khảo sát của Reuters đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu ước sẽ giảm 2,0% trong năm nay, so với mức dự báo giảm 1,2% được đưa ra hồi đầu tháng này và trái ngược với mức dự báo tăng 1,6% trong cuộc khảo sát được tiến hành ngày 20/3.

Sự thay đổi này nhấn mạnh triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi nhanh như thế nào.

Nhìn chung, các mức dự báo dao động trong khoảng +0,6% đến -6,0%. Quan điểm của các chuyên gia khu vực tư nhân tỏ ra ít bi quan hơn so với dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về mức giảm 3,0% trong năm nay.

Nhưng đó vẫn là một sự đảo ngược từ mức dự báo tăng 3,3% được định chế tài chính đa phương quốc tế này đưa hồi đầu năm, trước khi dịch COVID-19 bùng nổ và lan ra toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 4,5% trong năm 2021, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 5,8% của IMF.

Hồi giữa tháng 4/2020, IMF đã cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể tử cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch COVID-19.

Tuy vậy, IMF cũng nhận định đà tăng trưởng trong năm 2021 có thể sẽ khởi sắc hơn, qua đó đạt được đồ thị hồi phục theo hình chữ “V” như kỳ vọng.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath nhấn mạnh rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ.

Nhưng trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong nửa cuối năm nay, kinh tế thế giới có thể phục hồi mạnh trong năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến là 5,8%, thay vì mức 3,4% trong báo cáo trước đó của IMF.

IMF đánh giá sự gián đoạn trong hoạt động kinh tế dự kiến sẽ tập trung vào quý II/2020 đối với hầu hết các quốc gia trừ Trung Quốc, nơi đã bị dịch bệnh “ tàn phá” trong quý trước và đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Nhưng gần 90% các nhà kinh tế cho biết các rủi ro đối với dự báo của họ trong nửa cuối năm 2020 thiên về hướng đi xuống, cho thấy các dự báo tăng trưởng có thể tiếp tục bị điều chỉnh nếu đại dịch trở nên tồi tệ hơn.

Bà Janet Henry, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại ngân hàng HSBC, cho rằng trong năm 2020, kinh tế thế giới có thể suy giảm sâu hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.

Nhưng tình hình phụ thuộc rất lớn vào những gì sẽ xảy đến tiếp theo: các biện pháp hạn chế đi lại sẽ bị kéo dài trong bao lâu, khoa học y tế có thể mang tới đột phá nào, các chính phủ liệu có thể đưa ra những hỗ trợ chính sách nào nữa...

Theo nhận định của bà Henry, đại dịch COVID-19 không chỉ là vấn đề ngắn hạn. Tác động của dịch bệnh về trung và dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, mức nợ của các quốc gia, chính sách công và quá trình toàn cầu hóa sẽ là rất lớn.

Suy thoái kinh tế Mỹ có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều so với dự báo cách đây chỉ vài tuần trước. Theo báo cáo kinh tế công bố ngày 29/4 của Chính phủ Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2020 giảm mạnh ở mức 4,8%, khi đại dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế hoạt động đầu tư và mua sắm.

Đây là lần đầu tiên GDP của Mỹ giảm kể từ khi ghi nhận mức giảm 1,1% vào quý I/2014 và là giảm theo quý mạnh nhất kể từ quý IV/2008, khi kinh tế Mỹ giảm 8,4%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở hầu hết các nền kinh tế lớn được dự báo sẽ tăng vọt trong những tháng tới. Như tại Mỹ, trong hơn 5 tuần qua đã có tới 26 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Điều này đồng nghĩa tất cả số công việc được tạo ra suốt thời kỳ tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử Mỹ đã bị xóa sổ chỉ trong khoảng một tháng.

Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi, châu Âu đến Mỹ Latinh dự kiến sẽ còn chật vật hơn nữa, khi các chính phủ và ngân hàng trung ương ở đó buộc phải chống lại đà suy giảm và suy thoái sâu chỉ với các công cụ hạn chế.

Ông Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng Barclays, nói rằng nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi đã thực hiện giãn cách xã hội tương đối muộn, một phần vì họ chậm nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh do thiếu các xét nghiệm cần thiết.

Nhưng một phần cũng vì họ lo sợ những hậu quả kinh tế từ các biện pháp phong tỏa, đặc biệt là đối với người nghèo.

Nhưng trong một dự báo có phần kém lạc quan hơn, với kịch bản dịch bệnh vẫn kéo dài tới nửa cuối năm nay và buộc các biện pháp giãn cách xã hội phải kéo dài tới qua tháng Sáu, đồ thị của đường phục hồi có thể là hình chữ “L”.

Trong kịch bản này, người dân sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu dịch vụ và không đi du lịch. Các khoản nợ gia tăng từ trước hoặc trong cuộc khủng hoảng trở nên khó trả, tạo ra một vòng xoáy vỡ nợ và phá sản và dẫn đến nỗi lo về khủng hoảng tín dụng.

Khi đó, các chính phủ sẽ phải đưa ra nhiều gói kích thích hơn sau khi những nỗ lực trước đó của họ không thể đáp ứng nhu cầu. Nhưng những động thái như vậy đều cần có thời gian để sắp xếp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục