Mô hình quản lý chất lượng nông sản an toàn cho thu từ 300 triệu đồng/năm

15:32' - 16/06/2022
BNEWS Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm mô hình Hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm nông sản an toàn, đem lại thu nhập khá ổn định cho bà con từ 300-440 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, sau hơn 4 năm triển khai áp dụng mô hình Hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm nông sản an toàn (PGS), đến nay, bà con nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh, hiện đại.

 

Đó là tác phong làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất... nhằm giải phóng sức lao động, hiệu quả năng suất tăng cao, sản phẩm nông sản đạt chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm mô hình PGS và đem lại thu nhập khá ổn định cho bà con từ 300-440 triệu đồng/ha/năm.

Cụ thể, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) có hơn 200ha rau đang triển khai áp dụng mô hình hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm nông sản an toàn (PGS) cho thu nhập từ 300- 440 triệu đồng/ha/năm.

Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, qua thực tế triển khai mô hình tại các xã cho thấy, sản phẩm khi được đưa ra thị trường bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm; hình thành cho bà con nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất, từ đó nâng cao kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong sản xuất bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 200 ha diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch sản xuất rau an toàn tại các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên, Yên Bình. Ngoài ra, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được quy hoạch; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu các loại với quy mô 367 ha.

Tại huyện Đông Anh cũng quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180 ha; trong đó, có hơn 500 ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Ông Hoàng Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết, hiện nay, toàn xã có hơn 200 ha sản xuất rau; trong đó, có 80% diện tích rau được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, an toàn. Sản phẩm rau hữu cơ, an toàn đều được các đơn vị liên kết với nông dân trong khâu thu mua.

Từ khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau, đời sống người dân trên địa bàn được cải thiện rõ nét. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau đạt 250 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha/năm tùy mô hình, tùy loại rau. Trồng rau đang là nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ nông dân.

Tại huyện Chương Mỹ, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G, làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.

Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình. Mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết.

Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững, thời gian tới, huyện Thạch Thất cũng nâng tỷ lệ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp lên cao, khuyến khích nông dân duy trì, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất rau an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá, tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm rau an toàn... Ngoài ra, huyện còn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, hệ thống kênh mương, nhà bảo quản, sơ chế tại các vùng đã được quy hoạch sản xuất tập trung.

Từ nay đến năm 2025, huyện Thạch Thất triển khai thực hiện 8 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu, Đại Đồng, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Phú Kim./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục