Vĩnh Phúc rau xanh khan hiếm, giá tăng cao sau mưa lũ

11:07' - 09/06/2022
BNEWS Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp có mưa lớn trên diện rộng, khiến cho diện tích cây trồng bị ngập ở nhiều địa phương.

Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 2.200 ha cây rau màu ngoài đồng ruộng và hàng trăm ha rau trồng ở các vườn của các hộ gia đình bị lũ lụt gây thiệt hại nặng hoặc có khả năng mất trắng. Điều này khiến nguồn cung rau xanh, rau quả nói chung trên địa bàn tỉnh khan hiếm, giá tăng cao.

 

Đến các chợ lớn, nhỏ ở các địa bàn như thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc...thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có thể thấy các điểm buôn bán rau ở chợ đều thưa vắng người buôn bán. Không những giá rau cao mà nhiều chỗ bán rau bị dập nát, bà con tận thu cả phần gốc, cả cây rau có phần thân lá già để bán.

"Rau thu hoạch nhanh để chạy mưa lớn, chạy lũ lụt phải mò trong nước để đưa lên, chỉ được thế thôi, chúng tôi không thể có hàng hóa ngon và mẫu mã đẹp lúc này", một người bán rau tại chợ Vĩnh Yên cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương tại chợ Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên cho hay, mua rau cho gia đình ăn hàng ngày, nhất là gia đình đông người giờ đây cũng phải tính toán kỹ để tiết kiệm, chi phí hợp lý vì rau tăng giá quá mạnh, như các loại rau cải đang báo tại các chợ hiện nay so với thời điểm giữa tháng 5/2022 đã tăng thêm từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Tương tự, rau mùng tơi, rau đay bán ở các ở chợ Vĩnh Yên đang từ 3.000 đến 4.000 đồng/mớ tăng lên 8.000 đến 10.000 đồng/mớ; rau muống tăng gấp đôi lên 8.000 đồng/mớ; rau ngót cũng tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/mớ; mướp cũng tăng lên phổ biến trên 20.000 đồng/kg …

Tuy giá rau xanh tăng cao nhưng các loại củ, quả mang tính gia vị của bữa ăn như hành, tỏi, gừng, ớt… tương đối ổn định về giá cả, mức tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đây là những mặt hàng để được lâu, dể bảo quản, dễ vận chuyển.

Những năm qua, diện tích và sản lượng các loại rau xanh ở Vĩnh Phúc khá ổn định bởi nông dân luôn coi rau xanh là loại cây trồng dễ dàng, có lời, nhanh thu hồi vốn tiêu thụ dễ dàng nhờ Vĩnh Phúc là địa bàn gần Hà Nội và các tỉnh lân cận có mật độ dân số cao, công nghiệp - dịch vụ phát triển nên nhu cầu tiêu thụ rau củ quả rất lớn…

Hiện, mỗi năm diện tích trồng các loại rau ở Vĩnh Phúc đạt khoảng 10.000 ha, cho sản lượng đạt trên 200 nghìn tấn/năm. Rau xanh được trồng tại tất cả các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Tường và Tam Đảo (chiếm hơn 60% diện tích trồng rau). Năng suất bình quân tại một số huyện trọng điểm trồng rau là 24 - 26 tấn/ha.

Hiện nay, giá các loại rau ở nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh tăng cao, có nhiều loại tăng vài lần so với các tháng trước là do ảnh hưởng của các trận mưa lớn liên tiếp xảy ra vào thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022 đã gây ngập trên 2.200 ha cây rau màu bị lũ lụt gây thiệt hại nặng hoặc có khả năng mất trắng.

Bên cạnh đó, diện tích các loại rau trồng ở trong vườn, trong đất nhà của người dân cũng bị ảnh hưởng do mưa và gió làm ngập cục bộ, thân cây bị nghiêng ngả và dập nát. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến nguồn cung khan hiếm, các tiểu thương tìm mọi cách thu gom rau để đưa về Hà Nội bán kiếm lời, đẩy giá rau xanh tăng cao. Hiện, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm và nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang gặt lúa Xuân.

Tuy nhiên, bà con chưa thể triển khai trồng các loại rau diện tích tập trung quy mô lớn bởi ruộng đất ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang ẩm ướt, việc làm đất gieo trồng quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương có địa hình cao, người dân có kịp trồng các loại rau ngắn ngày thay thế tại thời điểm này thì cũng phải mất ít nhất 1 tháng nữa mới có thể thu hoạch được. Vì vậy, nguồn rau xanh sẽ còn khan hiếm và giá cả sẽ đắt hơn.

Để đáp ứng nhu cầu về rau xanh nói chung cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, Vĩnh Phúc đang chỉ đạo ngành chức năng triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn….Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch, dồn ghép, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm giá rau xanh tăng cao và việc khan hiếm nguồn cung rau xanh hiện chưa thể khắc phục được ngay, người tiêu dùng nên chuyển sang các loại củ quả để tạm thay thế rau xanh trong bữa ăn hàng ngày để tạo sự cân bằng, hợp lý cho chi tiêu, sinh hoạt của mỗi gia đình.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục