Mô hình tổ vay vốn đẩy lùi tình trạng “cò” tín dụng đen

08:37' - 04/04/2019
BNEWS Từ khi được bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn, bác Hồ Kim Việt ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Nam dù bận rộn hơn nhưng bác luôn cảm thấy rất phấn chấn.

Ngoài công việc của gia đình, bác Việt có thêm niềm vui khi được chia sẻ với bà con lối xóm về cách thức làm thủ tục vay vốn, sử dụng đồng vốn ra sao cho hiệu quả.

Bác còn vui hơn khi hàng tháng bà con lối xóm lại tụ tập trong sân nhà bác để họp bàn, bình xét sôi nổi.

Mô hình tổ vay vốn tại các địa phương không còn mới lạ. Mô hình này đang được đánh giá là một trong những kênh dẫn vốn hiệu quả, là mô hình cho vay uỷ thác, phối hợp giữa ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ triển khai cho các hội viên thuộc các hội đoàn thể vay vốn phát triển kinh tế.

Tổ vay vốn còn là nơi để bà con gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hạn chế tiếp cận với tín dụng đen.

Trong nỗ lực chuyển tải vốn và dịch vụ đến người dân, mô hình tổ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn.

Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, trên 58 nghìn tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân cả nước.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank đã triển khai mạnh mẽ hình thức cho vay qua tổ nhóm để nguồn vốn ngân hàng đến được với đông đảo người dân. Agribank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hội, chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn cho vay, giải ngân, thu nợ và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt trên 115 nghìn tỷ đồng với hơn 1,4 triệu tổ viên. Agribank đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng bằng việc triển khai hình thức ngân hàng lưu động, mang đồng vốn đến người dân vùng sâu vùng xa.

Agribank đã triển khai được 68 xe trên địa bàn 59 tỉnh, thành phố phục vụ gần 400 nghìn lượt khách hàng. Thời gian tới dịch vụ ngân hàng lưu động sẽ tiếp tục được Agribank mở rộng thêm ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Cùng với Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng là đơn vị triển khai hiệu quả mô hình cho vay uỷ thác qua các hội, đoàn thể. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo sự ổn định trong các cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của các tổ viên.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội thông tin, hiện nay, toàn quốc thực hiện tổ chức giao dịch tại gần 11 nghìn điểm giao dịch xã và thành lập gần 182 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tại 100% các thôn, ấp. Từ đó đã giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí giao dịch đi lại.

Điều này cũng góp phần tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Bình luận về vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, bà Trần Lan Phương Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ luôn nỗ lực, sáng tạo, góp phần phát huy hiệu quả kênh dẫn vốn chính sách tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Việc kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền vận động luôn được Hội Phụ nữ và Ngân hàng Chính sách Xã hội thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm giải thích, tuyên truyền đến hội viên, gia đình hội viên và cộng đồng dân cư về chính sách tín dụng của Chính phủ, đồng thời qua kiểm tra phát hiện ra những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục.

Hàng năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ tổ chức hội các cấp, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… giúp người vay xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh và biết sử dụng vốn vay có hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội qua Hội Phụ nữ đạt gần 73 nghìn tỷ đồng với 2,5 triệu hộ hội viên phụ nữ còn dư nợ.

Sự tham gia tích cực của các tổ chức hội đã góp phần làm nên hiệu quả của mô hình tổ vay vốn. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân khẳng định mô hình uỷ thác cho vay là đòn bẩy tích cực trong chiến lược mở rộng dịch vụ tài chính nông nghiệp nông thôn cho hộ nghèo.

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Thắng phân tích, tổ tiết kiệm vay vốn là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ lẫn nhau, vừa là nơi thực hiện các nghiệp vụ cụ thể phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiệu quả hơn. Hoạt động theo mô hình này đã rút ngắn khoảng cách giữa người dân với ngân hàng, tiết giảm chi phí, vốn đến tay người dân nhanh và ít tốn kém. Bên cạnh đó, do có sự giám sát của các đoàn thể nên khả năng nợ xấu, nợ quá hạn rất thấp.

Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban hỗ trợ phát triển phụ nữ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng khẳng định việc mang đồng vốn đến cho người dân qua dịch vụ ngân hàng lưu động và dịch vụ tài chính vi mô góp phần giúp người dân hạn chế tìm đến tín dụng đen. Tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài của ngân hàng đưa đồng vốn đến tay tổ viên, giúp họ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục