Mở rộng diện tích cao su được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng

16:10' - 17/05/2020
BNEWS Thúc đẩy thực hành và chứng nhận quản lý rừng bền vững là mục tiêu trong phát triển ngành lâm nghiệp nói chung, chế biến xuất khẩu gỗ nói riêng; trong đó áp dụng trên cây cao su có vai trò tiên phong.

Thúc đẩy thực hành và chứng nhận quản lý rừng bền vững là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển ngành lâm nghiệp nói chung, chế biến, xuất khẩu gỗ nói riêng; trong đó áp dụng trên cây cao su đóng vai trò tiên phong.

Đây là thông điệp được Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) về chương trình phát triển bền vững do Tổng cục Lâm nghiệp và VRG tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/5.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, những năm gần đây, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc quản trị quốc gia về bảo vệ và quản lý rừng bền vững, tập trung nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng trồng.

Đến nay, cả nước có 14,6 triệu ha rừng; trong đó, có 4,3 triệu ha rừng trồng, độ che phủ đạt gần 42%, thuộc nhóm các nước có độ che phủ cao của châu Á.

Sản lượng gỗ được khai thác, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu không ngừng tăng lên, đạt 14,8 tỷ USD năm 2019 (bao gồm cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa).

Tuy nhiên để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm chế biến từ rừng cần có giải pháp tổng thể, căn cơ; trong đó, việc triển khai các biện pháp giám sát và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia, quốc tế phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa, dựa trên cơ sở, tiêu chuẩn khoa học.

Với gần 1 triệu ha cao su trên cả nước, hàng năm, nguyên liệu từ gỗ cao su thanh lý đạt từ 3 - 3,5 triệu m3, giá trị chế biến sản phẩm từ gỗ cao su xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Việc áp dụng tiêu chuẩn và cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững đối với cây cao su đóng vai trò tiên phong, kiểu mẫu cho việc thực hiện mục tiêu của ngành lâm nghiệp là đến năm 2025 cả nước có 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và đến năm 2030 có ít nhất 80% rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2019, Tổng cục Lâm nghiệp và VRG đã ký kết quy chế phối hợp thực hiện về quản lý rừng bền vững.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia với Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của quốc tế; thành lập văn phòng chứng chỉ rừng trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện việc công nhận các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ rừng.

Trong khi đó, VRG đã chỉ đạo xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho 3 đơn vị thuộc tập đoàn là Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Bình Long và Công ty Cao su Phú Riềng với  diện tích 59.528 ha, đăng ký thực hiện chứng chỉ quản lý rừng Việt Nam (VFCS/FM) cho 11.412 ha cao su và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (VFSC/CoC) cho 6 nhà máy chế biến mủ cao su.

Đây là kết quả nổi bật nhất trong chương trình phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong năm 2019.

Trên cơ sở đó, hai bên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trong việc mở rộng diện tích rừng cao su được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng trong thời gian tới.

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và  phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu sạch có truy xuất nguồn gốc cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Đây cũng là sự khẳng định tính chủ động trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đặc biệt khi hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới - ông Cao Chí Công khẳng định.

Ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng Giám đốc VRG cho biết, mặc dù VRG chỉ chiếm khoảng 30% diện tích và sản lượng cả nước nhưng luôn xác định  vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao su và chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng cao su.

Phát triển bền vững cũng là một trong những chủ trương quan trọng của VRG nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Sau một năm thực hiện quy chế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã thúc đẩy tiến độ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện chứng chỉ rừng theo bộ tiêu chuẩn Việt Nam với những kết quả bước đầu rất tích cực.

Những năm tiếp theo, VRG sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả việc tái kết nối với Hội đồng quản lý rừng (FSC); phát triển kế hoạch trồng 5.000 ha rừng và hệ thống thông tin địa lý (GIS); tăng cường thực hiện chứng chỉ bền vững thông qua mở rộng diện tích thực hiện chứng chỉ rừng bền vững Việt Nam VFCS/FM cho 51.500 ha cao su và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm cho 21 nhà máy chế biến mủ cao su.

Song song đó, VRG cũng tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp về phát triển bền vững như: áp dụng Sổ tay quản lý rừng trồng cao su bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Cao su Việt Nam...; áp dụng kỹ thuật sản xuất bền vững đối với mủ cao su và gỗ cao su cũng như hợp tác xây dựng giải pháp bảo tồn rừng và kỹ thuật phục hồi, tái sinh rừng đáp ứng điều kiện của FSC vì mục tiêu phát triển ổn định và bền vững của ngành Cao su Việt Nam nói riêng, đóng góp tích cực vào việc quản lý, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục