VRG sẽ phục hồi 20.000 ha rừng gắn với vùng cao su

20:05' - 29/05/2019
BNEWS Trong giai đoạn 2019 - 2024, VRG sẽ tập trung thực hiện thành công chứng chỉ FSC (chứng nhận quốc tế về bảo vệ rừng) trong thời gian sớm nhất; phục hồi 20.000 ha rừng gắn với vùng cao su.

Tại lễ công bố Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2024 và Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được tổ chức chiều 29/5 ở Tp.Hồ Chí Minh, đại diện VRG cho biết sẽ triển khai nhiều nội dung trọng tâm để thực hiện Chương trình này.

Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2024, VRG sẽ tập trung thực hiện thành công chứng chỉ FSC (chứng nhận quốc tế về bảo vệ rừng) trong thời gian sớm nhất; phục hồi 20.000 ha rừng gắn với vùng cao su.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giải trình gỗ cao su hợp pháp; tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

VRG sẽ phục hồi 20.000 ha rừng gắn với vùng cao su. Ảnh minh họa: TTXVN

Riêng kế hoạch hành động về phát triển bền vững trong 7 tháng cuối năm 2019, VRG tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung các quy chế nội bộ của Tập đoàn về trách nhiệm xã hội và môi trường, chính sách tuyển dụng và chế độ của người lao động, tham vấn và kết nối cộng đồng…, tuân thủ pháp luật Việt Nam và tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế FSC.

VRG cũng có kế hoạch xây dựng và thực hiện khoanh nuôi tái sinh, phát triển khoảng 5.000 ha rừng trong vùng dự án cao su; thúc đẩy hợp tác giữa VRG và IKEA (Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế Thuỵ Điển) để có nguồn gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm cao su bền vững; khuyến khích, hỗ trợ các thành viên áp dụng giải pháp sản xuất sạch, quản lý bền vững, đạt chứng nhận bền vững nhằm xây dựng và củng cố thương hiệu VRG…

Lý giải nguyên nhân của việc lựa chọn định hướng chiến lược phát triển bền vững của VRG, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG cho biết: Đây là sự lựa chọn tất yếu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Bởi lẽ, hiện nay hầu hết các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm mủ và gỗ cao su đều yêu cầu phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và có chứng chỉ bảo vệ rừng bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển bền vững ngành cũng là giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu cao su Việt Nam lớn mạnh hơn trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao kế hoạch hành động của VRG. Theo ông Tuấn, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do biến động thị trường, nhưng trong những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt.

Doanh nghiệp ngành cao su không chỉ cần đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, có uy tín kinh doanh mà còn đòi hỏi nhà sản xuất phải có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường.

Ông Tuấn nhấn mạnh, VRG phải quyết tâm hơn nữa trong việc quản lý rừng để được cấp chứng chỉ rừng bền vững trong 1 – 2 năm tới; đồng thời bám sát Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2018 và thực hiện bộ tiêu chí chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam hài hòa với quốc tế.

Để triển khai chương trình và kế hoạch phát triển bền vững nêu trên, VRG đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp; thỏa thuận hợp tác với tổ chức Oxfam, PanNature; ký hợp đồng tư vấn thực hiện chứng chỉ rừng giữa các đơn vị thành viên của Tập đoàn với Viện Nghiên cứu Lâm sinh và Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp nhiệt đới thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

VRG hiện đang quản lý trên 400.000 ha cao su, trải dài khắp nước và đầu tư trồng cao su ở Lào và Campuchia với trên 81.000 công nhân lao động.

Ngành nghề hoạt động chính của VRG gồm: trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ; sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục