Mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế trong khu vực hợp tác xã

21:00' - 27/11/2020
BNEWS Thời gian qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò trong hệ thống chính trị, xã hội, đóng góp quan trọng trong việc phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Chiều tối 27/11, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm trưởng đoàn đã tới làm việc với Đảng đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đã chủ động đa dạng hoá quan hệ, đa dạng hoá đối tác; phạm vi hoạt động đối ngoại của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Do đó, không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế mà còn quan tâm đến nhân quyền, chủ quyền, an ninh quốc gia.

Theo đồng chí Hoàng Bình Quân, thời gian qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò trong hệ thống chính trị, xã hội, đóng góp quan trọng trong việc phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn, cơ chế, trong thời kỳ hội nhập, hoạt động của các hợp tác xã đã có sự thay đổi trong nhận thức, phát triển đúng hướng mang lại sức sống mới cho khu vực kinh tế tập thể.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2020 cả nước có 26.400 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã, 119.000 tổ hợp tác, thu hút 8,1 triệu thành viên. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiện nay đã nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động trẻ, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, mang lại lợi ích cho các thành viên.

Hơn nữa, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp trực tiếp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%/năm; đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, đóng góp hơn 30% GDP cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thịnh cũng chỉ rõ về hoạt động hợp tác quốc tế của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 có nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phát triển và khai thác tốt các quan hệ quốc tế cả ở góc độ đối ngoại đa phương và đối ngoại song phương, với nhiều hình thức đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của hệ thống hợp tác xã Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, đã huy động nguồn lực nhiều mặt và đáng kể từ hợp tác quốc tế để phát triển năng lực quản trị, điều hành hợp tác xã, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đa dạng hóa công tác đối ngoại nhân dân theo đường lối của Đảng; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân của các quốc gia khác trên thế giới; quảng bá và giới thiệu tình hình phát triển hợp tác xã của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã chủ động hơn, xây dựng các chương trình, hoạt động hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ thiết thực, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã và các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thịnh cũng nhìn nhận về đối ngoại, hợp tác quốc tế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như nguồn lực dành cho hoạt động đối ngoại của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn thiếu, chưa bền vững; trình độ ngoại ngữ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của hệ thống Liên minh Hợp tác xã và tại hợp tác xã cơ sở còn hạn chế. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, hầu hết chưa có bộ phận riêng làm về đối ngoại nên việc triển khai công việc còn gặp khó khăn...

Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục xác định mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vững mạnh; tiếp tục huy động và khai thác nguồn lực, tăng cường tính chủ động trong xây dựng, duy trì, quan hệ hợp tác và đối tác.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị với Ban Đối ngoại Trung ương có ý kiến chỉ đạo đánh giá xu hướng chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới năm 2021 và những năm tới.

Cùng với đó, Ban Đối ngoại Trung ương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện các chương trình, hoạt động mở rộng quan hệ đối ngoại để tiếp tục huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, nghiên cứu có ý kiến với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cho cán bộ trong biên chế đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề xuất Ban Đối ngoại Trung ương có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam một số dự án ODA có viện trợ không hoàn lại và có hoàn lại để tăng thêm các nguồn lực phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã.

Đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị Ban Đối ngoại Trung ương chỉnh sửa Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam để việc phê duyệt các hội nghị, hội thảo quốc tế không chỉ là hình thức, chủ động phân cấp giao Đảng đoàn Liên minh hợp tác xã Việt Nam chịu trách nhiệm về hội thảo đã có trong kế hoạch; phát sinh ngoài kế hoạch sẽ báo cáo Ban Đối ngoại Trung ương xem xét, quyết định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục