Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

17:44' - 24/09/2024
BNEWS Tiếp tục chương trình Phiên họp, chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Tóm tắt dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều).

Đáng chú ý, một trong số những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật là đã mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách Trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

 

Dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành), đồng thời quy định linh hoạt đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; không mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lặp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực việc làm, lao động và an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan; không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013; đồng thời tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm.

Cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo đã nêu trong Tờ trình, tuy nhiên báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, nhiều quy định còn chung chung, chưa cụ thể, chưa bảo đảm tính khả thi. Nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo Luật chưa có căn cứ thuyết phục, cần phải tiếp tục đánh giá tác động và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động; chưa so sánh đầy đủ lợi ích, chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung.

"Nội dung và chất lượng của hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cần được tiếp tục quan tâm, tiếp thu, giải trình thấu đáo trên cơ sở Báo cáo thẩm tra sơ bộ này, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội", Thường trực Ủy ban Xã hội nêu rõ.

Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến, bổ sung thông tin, số liệu và giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, gửi Ủy ban Xã hội thẩm tra chính thức và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến chỉ đạo: Luật Việc làm (sửa đổi) là luật hết sức quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá liên quan đến thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động.

Cho rằng Luật Việc làm trước đây có hơn 60 điều, trong khi Luật mới có 130 điều, tăng trên 200% so với Luật cũ, theo Chủ tịch Quốc hội “nên cân nhắc lược bớt những gì là nghị định, thông tư” để Luật được “gọn, rõ”. “Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét cái gì thuộc về nghị định thì trả về nghị định, thông tư thì trả về thông tư, không đưa vào đây quá chi tiết, quá cụ thể. Đưa vào những gì thuộc về phạm vi, quyền của Quốc hội để sửa đổi Luật”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung dự thảo luật với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh chồng chéo và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là một Luật “rất khó”. Sau Bộ luật Lao động thì Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm là những luật làm nòng cốt, xương sống cho việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ rà soát kỹ lưỡng lại 131 điều của dự thảo Luật. “Trên 30 nội dung chúng tôi đang cho giải trình, tiếp thu. Qua rà soát sơ bộ với tinh thần là làm gọn lại thì chắc chắn sẽ giảm xuống dưới 100 điều”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến bổ sung thông tin, số liệu, hoàn thiện các nội dung, các báo cáo thành phần dự thảo luật và giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện dự án luật, báo cáo với Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trình tại Kỳ họp thứ 8.

Về phạm vi sửa đổi và đối tượng áp dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tính bao quát và tính khả thi; tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số nội dung cụ thể của dự thảo luật cần tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, ưu điểm, nhược điểm, vấn đề phát sinh để làm căn cứ đề xuất sửa đổi, trong đó rà soát “một cách tối đa” những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục