Mở rộng “pháo đài xanh” an toàn với dịch COVID-19: * Bài cuối: Tạo “hậu phương” vững chắc cho “tiền tuyến”

18:41' - 25/08/2021
BNEWS Ciệc củng cố các "vùng xanh" vững chắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo nên hậu phương vững chắc, sẵn sàng chi viện và hậu thuẫn cho tiền tuyến là "vùng vàng", "vùng đỏ".

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhất là dịch còn diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, khu vực phía Nam nói chung, việc củng cố các "vùng xanh" vững chắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo nên hậu phương vững chắc, sẵn sàng chi viện và hậu thuẫn cho tiền tuyến là "vùng vàng", "vùng đỏ".

*Xây dựng hậu cứ an toàn

Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình dồn sức truy vết, xét nghiệm để xử lý “vùng đỏ” cũng không nên bỏ quên “vùng xanh” bởi để dập được “vùng đỏ” phải có “vùng xanh” vững chắc, tạo hậu cứ an toàn.

Trong các đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh đến việc duy trì “vùng xanh”, bảo vệ cho được “vùng xanh” huyện Củ Chi, Cần Giờ cũng như xanh hóa “vùng đỏ”, không để dịch tiếp tục lây lan.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lâu hơn các tỉnh, thành khác, cần phải có cuộc kháng chiến dài hơi và có chiến khu an toàn. “Giặc COVID-19" đã ở ngay trước cửa nhà.

Vì thế, mọi nhà, mọi lực lượng, không phân biệt bệnh viện công, tư đều phải tham gia chống dịch, huy động tối đa ở tất cả các khâu trong phòng, chống dịch chứ không riêng khâu điều trị. Mỗi người dân phải được theo dõi sức khỏe, từng đối tượng có nguy cơ phải được theo dõi y tế và hỗ trợ kịp thời.

Để việc thiết lập “vùng xanh”, vùng an toàn không có dịch COVID-19 quy chuẩn rõ ràng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn cụ thể.

Đối với việc thiết lập các chốt kiểm soát bảo vệ khu vực thuộc “vùng xanh”, mỗi khu vực chỉ thiết lập một lối đi vào – một lối đi ra riêng biệt, kiểm soát 24/24 giờ, phải ưu tiên bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Các chốt hạn chế bố trí lối ra - vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly, khu vực có người mắc COVID-19. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra -vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện.

Lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” là Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng do UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định thành lập, được cấp thẻ công vụ để chỉ đạo, điều hành chung; có nhiệm vụ thiết lập, quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng xanh”.

Để mở rộng “vùng xanh, UBND Thành phố xác định tiêu chí cụ thể là tổ dân phố, tổ nhân dân có mức bình thường mới, gồm: tổ dân phố, tổ nhân dân “vùng cận xanh” khi không có hộ gia đình có ca F0 mới trong vòng 7 ngày; tổ dân phố, tổ nhân dân “vùng xanh” nếu trên 14 ngày không có ca F0 mới.

Tại các vùng bình thường mới (vùng xanh, cận xanh), UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 đại điện hộ gia đình, tần suất 2 lần cách nhau 7 ngày.

Dựa vào kết quả xét nghiệm và các điều kiện khác để “giải phóng vùng sạch” với các tiêu chí như không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có trường hợp dương tính nhưng chỉ số thấp, có tỷ lệ tiêm chủng đạt 50%, đồng thời có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.

Với các tiêu chí cụ thể trên, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến trước ngày 31/8 sẽ mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn, kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, quận Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7 và Quận 11. Các địa phương này đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.

Trong các đợt kiểm tra, đi thăm lực lượng tuyến đầu các địa phương vừa qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý các địa phương nhân rộng, tăng cường xây dựng và mở rộng "vùng xanh" thông qua việc phát huy vai trò tự quản của người dân, tạo hậu cứ an toàn vững chắc trong phòng, chống dịch COVID-19.

“Chính quyền cần tạo điều kiện, ủng hộ, động viên người dân tự quản trong xóm nhỏ, khu dân cư và cả trong mỗi gia đình của họ.

Mỗi người, mỗi gia đình tự quản sẽ góp phần cùng chính quyền chung sức, đồng lòng giữ gìn bảo vệ an toàn thật tốt để đưa mọi hoạt động sớm trở lại trạng thái bình thường mới”, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

*Hậu thuẫn cho “tiền tuyến”

Với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về COVID-19 tại phía Nam, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sau khi khảo sát thực tế tại nhiều tỉnh phía Nam đã lưu ý về triển khai xây dựng các “vùng xanh”, an toàn với dịch COVID-19.

“Để hình thành “vành đai xanh an toàn” sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chống dịch, các địa phương cần quyết tâm cao, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ và quy định của các cấp”, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.

Cùng với việc tăng cường hơn nữa, giám sát phát hiện sớm các ca F0 tại cộng đồng và quản lý giám sát cách ly, theo Thượng tướng Võ Minh Lương, cần phải kiểm tra, chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghệ cao; có thể thực hiện giới nghiêm ở các khu vực nếu thấy cần thiết để tạo ra ngày càng nhiều “vùng xanh”, hạn chế “vùng đỏ”, “vùng vàng”, từng bước xóa sạch F0, đưa địa phương trở về “trạng thái bình thường mới”.

Ở quy mô cấp vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý, chiến lược chung của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) là phải mở rộng “vùng xanh,” thu hẹp và khoanh nhiều lớp “vùng đỏ” để bên ngoài dần quay lại cuộc sống bình thường mới sớm nhất.

Theo Phó Thủ tướng, đợt dịch thứ tư bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đều nhấn mạnh phải thực hiện quyết liệt cả hai mũi là truy vết, khoanh vùng những điểm, ổ dịch nóng và phải giữ bằng được những vùng còn an toàn. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa chú ý đến mũi thứ hai.

“Gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”. Đáng chú ý, cùng với sự lãnh đạo cấp tỉnh, một số địa phương đã sáng tạo, phát động nhân dân tự đăng ký, tổ chức để giữ cho ấp, cụm, tổ dân phố, xã hình thành “vùng xanh”.

Đây là kinh nghiệm rất quý, không chỉ với chính các địa phương này mà cần nhân rộng trên cả nước. Nơi nào còn xanh, chúng ta phải giữ cho chắc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi có vaccine để giữ vững các “vùng xanh”, khi điều kiện thích hợp sẽ khôi phục sản xuất và đi lại của người dân. Bởi tiêm vaccine xong, người dân chưa thể có miễn dịch ngay, vẫn có thể lây ra cộng đồng nếu nhiễm SARS-CoV-2.

Như vậy, phải có trạng thái “bình thường mới” ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh khác với các khu vực còn lại trên cả nước, tương tự như một số nước mở cửa dần trở lại sau khi đạt được miễn dịch cộng đồng.

Mục tiêu hình thành các “vùng xanh” được xác định rõ ràng là để các hoạt động giao thương, đi lại thuận lợi trong nội tỉnh, nội vùng; để thực hiện mục tiêu kép, cùng với cố gắng ở mức cao nhất để kiểm soát dịch nhưng không để đình trệ hoạt động kinh tế. Nếu phải giãn cách xã hội ở khu vực này, vẫn còn những khu vực khác làm hậu phương hỗ trợ, chi viện, không để đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, trạng thái bình thường mới là trạng thái có thể triển khai các hoạt động kinh tế xã hội, duy trì cuộc sống của nhân dân nhưng vẫn luôn áp dụng các biện pháp có hiệu quả trong phòng, chống dịch của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là nêu cao ý thức đối với nhiệm vụ này của người dân.

Các địa phương thường xuyên cảnh giác phòng, ngừa dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; có phương án từng bước cho phép các doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm vaccine tiếp tục sản xuất, giúp khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho những lao động đang thất nghiệp tạm thời.

Ngay sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/8, ông Phan Văn Mãi đã chia sẻ về những công việc sắp tới của Thành phố, trong đó nhấn mạnh bao trùm tất cả là thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Chính phủ là đến ngày 15/9 Thành phố kiểm soát được dịch bệnh.

Trong đó,  số ca nhiễm giảm dần, số ca cần điều trị bằng hoặc nhỏ hơn năng lực điều trị của Thành phố, giảm rõ rệt số ca tử vong, mở rộng “vùng xanh” và thu hẹp các “vùng đỏ, cam, vàng”.

"Để mở cửa kinh tế, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chức năng phòng, chống dịch, các cơ quan chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Trước mắt, Thành phố có kế hoạch từ nay đến trước ngày 15/9 và sau đó sẽ tùy vào tình hình dịch sẽ mở cửa từng phần trên nguyên tắc an toàn, không ảnh hưởng đến phòng, chống dịch", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Riêng các ngành thiết yếu, Thành phố sẽ có biện pháp an toàn để duy trì; những ngành quan trọng có biện pháp an toàn để duy trì và mở rộng sản xuất. Những “vùng xanh”, vùng an toàn sẽ tiến hành các hoạt động tương đối rộng hơn. Những nơi mà người dân, doanh nghiệp có những sáng kiến đảm bảo sản xuất, dịch vụ an toàn sẽ được hoạt động.

Với các biện pháp đang được triển khai cùng với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước kiểm soát được dịch bệnh, mở rộng các "vùng xanh", vùng an toàn với dịch COVID-19 để đưa cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới./.

>>> Mở rộng “pháo đài xanh” an toàn với dịch COVID-19: * Bài 1: Giữ vững “vùng xanh”

>>> Mở rộng “pháo đài xanh” an toàn với dịch COVID-19: *Bài 2: Thiết lập, củng cố vùng an toàn

>>> Mở rộng “pháo đài xanh” an toàn với dịch COVID-19: * Bài 3: “Vùng xanh” cho sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục