Mở rộng thị phần khi tham gia AEC

16:42' - 27/11/2015
BNEWS Việc xóa bỏ rào cản giữa các quốc gia trong khối AEC sẽ tạo ra thị trường bình đẳng cho các công ty trong nước và nước ngoài.
Hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam". Ảnh: Thùy Dương/BNEWS.

Tại hội thảo Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): cơ hội và thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực hiện cam kết tự do hóa thị trường tài chính trong AEC sẽ đem đến nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh giữa các quốc gia trong khối AEC còn có sự chệnh lệch.

Theo bà Lê Thị Thùy Vân, Trưởng Ban – Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), hội nhập tài chính AEC sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán Việt Nam mở rộng thị phần, tham gia nhiều hơn vào các thị trường khu vực.

Đồng thời, việc xóa bỏ rào cản và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối AEC sẽ tạo ra thị trường bình đẳng cho các công ty trong nước và nước ngoài, tăng cường thu hút vốn nước ngoài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trong nước.

Sự tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm chứng khoán là yếu tố quan trọng để cải thiện nhanh chóng trình độ quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính Việt Nam.

“Sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trên thị trường tài chính giúp mở rộng cơ hội đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng đa dạng hóa dịch vụ tài chính”, bà Vân cho biết thêm.

Ngoài ra, thêm cơ hội cho thị trường tài chính Việt Nam là sự tự do luân chuyển các dòng vốn đầu tư của AEC sẽ có tác động tích cực đến phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra khi AEC đi vaò hoạt động, việc thực hiện cam kết AEC sẽ đặt ra không ít những thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam, cũng như từng thị trường chuyên ngành như hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số nước ASEAN.

Điều này sẽ làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, thị trường tài chính phát triển còn chưa vững chắc, thấp và nhiều bất ổn so với một số nước ASEAN, quy mô thị trường cổ phiếu còn nhỏ bé so với các nước khác.

Do đó, thách thức đặt ra thị trường tài chính là rất lớn, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho rằng điều trước mắt là việc hoàn thiện thể chế để thực thi các cam kết trong ASEAN trên tất cả các lĩnh vực về tài chính như kế toán kiểm toán, chứng khoán, bảo hiểm …

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thùy Vân cũng cho rằng sự tham gia của các định chế tài chính, các tập đoàn tài chính lớn vào thị trường sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường tài chính trong nước.

Bên cạnh đó, nếu AEC hoàn thành mục tiêu tự do luân chuyển về vốn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn chạy vào, chạy ra.

Sự gia tăng dòng vốn làm gia tăng mối lo về bong bong giá tài sản, cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập. “Dòng vốn được tự do luân chuyển sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột, đặc biệt với quy mô lớn sẽ là nguyên nhân mất ổn định đối với thị trường tài chính”, bà Vân chia sẻ thêm./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục