Xuất khẩu nông sản có sự đóng góp lớn của các sản phẩm miền núi

11:00' - 17/05/2023
BNEWS Nhằm hỗ trợ xuất khẩu nông sản tại khu vực miền núi thuận lợi hơn, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ các địa phương miền núi xuất khẩu nông sản.

Nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng miền núi nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Đóng góp cho thành tích đó là rất nhiều sản phẩm hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm hàng hoá của vùng núi, vùng còn khó khăn, có thể kể đến như vải thiều Lục Ngạn, nhãn và xoài của Sơn La...

Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương miền núi xuất khẩu nông sản. Điều này thể hiện qua việc xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục, trên 53,22 tỷ USD; trong đó, có sự đóng góp của các sản phẩm miền núi như nhãn, xoài, vải…

 

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, nhất là thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Bên cạnh đó, phát huy và chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương mở các chương trình tập huấn online để hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: gần đây các địa phương đã có sự chủ động nhất định trong việc hỗ trợ cho bà con nông dân, từ lựa chọn giống cây trồng, quyết định giống cây trồng cũng như canh tác và tiêu thụ.

Cùng đó, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đồng hành với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương ra nước ngoài.

Tuy nhiên, một số địa phương đang sở hữu số lượng nông sản khá lớn nhưng quy mô còn nhỏ và chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đẩy mạnh được quảng bá. Bởi vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để hỗ trợ các hợp tác xã, người nông dân và các địa phương trong thời gian tới.

 

Với 15 Hiệp định thương mại tự do đang thi hành và có hiệu lực, Bộ Công Thương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiến đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là giải pháp giúp các địa phương miền núi có thể đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường nước ngoài dễ hơn.

Để nâng cao hơn nữa việc xuất khẩu nông sản khu vực miền núi, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, vai trò của địa phương, hiệp hội và hợp tác xã rất quan trọng trong việc giúp người nông dân phát triển sản xuất bài bản, chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Do đó, bài học của Bắc Giang chính là sự chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời, chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp cận mới tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của các bộ, ngành.

Đặc biệt là hiệp hội trong việc tập hợp doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá và xúc tiến thương mại; hỗ trợ tiếp cận thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thúc đẩy xuất khẩu./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục