Mới chớm phục hồi, kinh tế thế giới lại gặp cú sốc lớn từ khủng hoảng Ukraine
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu, với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, từ đó đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.
* Những nguồn cung khó lòng thay thế Là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và cung cấp tới 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu, vị trí trung tâm của Nga đối với nền kinh tế toàn cầu, với tư cách là nhà sản xuất năng lượng, là yếu tố quan trọng trong phản ứng của phương Tây đối với căng thẳng Ukraine.Bộ Năng lượng Qatar mới đây nhấn mạnh nước này và các nước khác không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu nếu nguồn này bị cắt giảm.
Một thông báo từ Giám đốc điều hành công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) Jarand Rystad cho biết tình hình này có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.Ông Rystad cho hay căng thẳng toàn diện giữa Nga và phương Tây khó xảy ra, nhưng "xung đột" kinh tế sâu rộng gần như không thể tránh khỏi, và Nga có thể sử dụng hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này như một "quân cờ".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy, đảng viên Đảng Cộng hòa bang Louisiana, kêu gọi Mỹ “xả” năng lượng giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới để giảm bớt mức độ ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, mặc dù ủng hộ các chính sách cho phép khai thác của chính phủ, cho đến nay vẫn thận trọng với hoạt động này. Không những tác động mạnh đến thị trường năng lượng toàn cầu, xung đột ở Ukraine còn đe dọa an ninh lương thực.Với khoảng 40% sản lượng lúa mỳ của Ukraine nằm ở phía Đông đất nước, trong đó có 8% ở các khu vực ly khai, nông nghiệp thế giới có thể lo ngại về điều tồi tệ nhất nếu xung đột xảy ra ở đó.
Và nếu tình hình căng thẳng ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng cảng của thành phố Mariupol và mạng lưới đường sắt xung quanh khu vực này thì hậu quả cũng rất nặng nề.
Marc Zribi, người đứng đầu bộ phận ngũ cốc và đường tại cơ quan quản lý nông sản và hải sản Pháp (FranceAgriMer) cảnh báo tình hình bất ổn gia tăng ở miền Đông Ukraine có thể tước đi 30% sản lượng lúa mạch và 40% sản lượng hướng dương, lúa mỳ hoặc ngô của nước này. Đối với dầu hướng dương, Nga và Ukraine chiếm gần 80% xuất khẩu của thế giới, đặc biệt là sang Liên minh châu Âu (EU). Vai trò quan trọng của Nga trên thị trường phân bón cũng là điều khiến thế giới quan tâm. Theo Thierry Pouch, Nga đại diện cho 16% giao dịch thương mại thế giới về mặt hàng này.Ông giải thích: "Vì khí đốt được sử dụng để sản xuất phân đạm, nên nếu xung đột xảy ra, nguy cơ tăng giá của các loại phân bón này sẽ rất cao, và đó cũng là điều khiến thế giới phải lo ngại. Giá phân đạm tăng sẽ khiến người nông dân, đặc biệt là ở Pháp, sản xuất ít hơn vì lý do chi phí".
Và không chỉ Pháp, mà các nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu khác như Mỹ, Canada, Brazil, Argentina và gần đây là Ấn Độ, cũng sẽ gặp bất lợi vì vòng xoáy tăng giá mới của phân bón do tình hình căng thẳng Nga-Ukraine gây nên.Chủ tịch liên minh nông nghiệp FNSEA, ông Christiane Lambert, đã nhấn mạnh rằng "để tạo ra phân bón thì cần có khí đốt", và ông dự đoán những tác động lên giá sản xuất đối với ngành công nghiệp thực phẩm là điều "không thể phủ nhận" .
Hiện nay, không có gì bảo đảm rằng các quốc gia khác sẽ có thể thay thế một cách hoàn hảo nguồn lương thực xuất khẩu của Nga và Ukraine nếu chúng bị gián đoạn nghiêm trọng. Theo chuyên gia Thierry Pouch, "cuộc khủng hoảng địa chính trị này diễn ra trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng trầm trọng trên thế giới do những cuộc xung đột xảy ra trong vài năm trở lại đây”. Ông Thierry Pouch cảnh báo, nếu giá ngũ cốc tiếp tục tăng, các quốc gia phía Nam Địa Trung Hải sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng hàng đầu. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và các cuộc bạo loạn sẽ khó có hồi kết.* Triển vọng bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu
Theo tờ Financial Times, cuộc khủng hoảng Ukraine đe dọa nghiêm trọng đến sự lạc quan trên toàn cầu về triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một cuộc xung đột trên toàn Ukraine sẽ làm suy yếu triển vọng về con đường phục hồi kinh tế suôn sẻ khi áp lực lạm phát đang làm suy giảm thu nhập của các hộ gia đình. Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, các ngân hàng trung ương cũng đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao kéo dài. Và giờ dây, căng thẳng hiện nay được dự báo sẽ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao hơn nữa, dẫn đến lo ngại gia tăng về diễn biến lạm phát, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề nan giải về thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel cho biết nếu căng thẳng Ukraine leo thang, khó có khả năng ECB sẽ đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách. Lưu ý về những bất ổn ở Ukraine và dự đoán của thị trường về khả năng tăng lãi suất mạnh ở Vương quốc Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Dave Ramsden cho biết "cũng có rủi ro từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức". Không những thế, khủng hoảng Nga - Ukraine còn góp phần tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu. Mô hình mô phỏng của ECB cho thấy những tác động nghiêm trọng, nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Mô hình này ước tính tỷ lệ thiếu hụt khí đốt ở mức 10% có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,7%, với những tác động rõ rệt nhất ở các nước có ngành điện và khí đốt lớn và các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khí đốt. Ở quy mô rộng lớn, các nhà phân tích còn cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái nếu Nga chấm dứt xuất khẩu năng lượng sang châu Âu do những căng thẳng với Ukraine.Do phần lớn châu Âu phụ thuộc vào khí đốt và than nhiệt của Nga, nhà phân tích Matthew Hope của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) cảnh báo nếu xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu bị cắt giảm bởi một trong hai bên, sản xuất công nghiệp sẽ chậm lại đáng kể và gây ra mối đe dọa của một cuộc suy thoái toàn cầu. Ông Hope nói: “Chúng tôi tin rằng điều này khó xảy ra, vì nó sẽ gây bất lợi cho cả hai bên, nhưng nếu căng thẳng tăng cao và không có giải pháp tốt, không thể loại trừ khả năng này”.
Căng thẳng địa chính trị ở châu Âu diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu. Chi phí điện năng tăng cao đã khiến lạm phát tăng cao hơn, làm phức tạp thêm sự phục hồi sau đại dịch và buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch vẫn chưa được giải quyết và chi phí vận chuyển toàn cầu vẫn tăng cao./.- Từ khóa :
- căng thẳng nga ukraine
- nga
- ukraine
- dầu
- giá dầu
- kinh tế thế giới
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Nga khẳng định sẵn sàng cử phái đoàn đến Minsk để đàm phán với Ukraine
20:51' - 25/02/2022
Nga khẳng định sẵn sàng cử phái đoàn đến Minsk để đàm phán với Ukraine
-
Kinh tế Thế giới
Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga về lập trường trung lập
19:24' - 25/02/2022
Ukraine muốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Nga, bao gồm cả về lập trường trung lập liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
-
Kinh tế Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam ra thông báo về việc đóng cửa không phận tại Nga, Ukraine
19:01' - 25/02/2022
Cục Hàng không Việt Nam có công văn gửi các hãng hàng không Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines về việc hạn chế, đóng cửa vùng trời, sân bay tại Nga, Ukraine.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Mexico phản đối kế hoạch trục xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ
12:43'
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 21/11 đã lên tiếng phản đối các kế hoạch về người di cư của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản tăng mạnh
12:42'
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản trong tháng 10/2024 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn liên tục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc muốn xây dựng 4 thành phố khởi nghiệp hàng đầu thế giới
12:40'
Cho đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy việc xây dựng 4 thành phố lọt vào danh sách 100 thành phố tốt nhất thế giới để khởi nghiệp.
-
Kinh tế Thế giới
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bulgaria
11:43'
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Rumen Radev tới Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có nhiều bước phát triển quan trọng.
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia cam kết giảm tỷ trọng điện than xuống 33%
10:31'
Chính phủ Indonesia có kế hoạch cắt giảm tỷ trọng điện than trong cơ cấu năng lượng của nước này xuống còn 33%, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 42% vào cuối năm 2040.
-
Kinh tế Thế giới
Tăng cường kết nối ASEAN - Mỹ Latinh
09:49'
Theo Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm tại Mexico Nguyễn Văn Hải, tăng cường kết nối hạ tầng logistics, kết nối công nghệ số và thương mại điện tử là chìa khóa đưa quan hệ ASEAN - Mexico đi vào thực chất.
-
Kinh tế Thế giới
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống nước Cộng hòa Dominicana
08:10'
Từ ngày 19-21/11, Tổng thống Luis Rodolfo Abinader Corona cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Cộng hòa Dominicana đã đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.
-
Kinh tế Thế giới
Cảnh báo dư thừa công suất pin năng lượng Mặt Trời tại Trung Quốc
21:17' - 21/11/2024
Trung Quốc đang thắt chặt các tiêu chí đầu tư cho sản xuất pin năng lượng Mặt Trời nhằm hạn chế tình trạng dư thừa công suất đã gây khó khăn cho lĩnh vực này trong những tháng gần đây.
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Mỹ đề nghị Google bán trình duyệt Chrome
17:09' - 21/11/2024
Ngày 20/11, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu một thẩm phán ra lệnh cho Google bán trình duyệt Chrome – một trong những trình duyệt Internet phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.