Mời gọi đầu tư nhiều dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

12:27' - 11/04/2025
BNEWS Thành phố Huế đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô giai đoạn 2025 – 2026, góp phần thay đổi diện mạo mới cho vùng kinh tế trọng điểm cửa ngõ phía Nam của thành phố.

Theo đó, thành phố kêu gọi đầu tư nhiều dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô ở huyện Phú Lộc gồm: Dự xây dựng bến số 6 ở Cảng Chân Mây có chiều dài bến 350m, phục vụ tàu tải trọng 70.000 DWT cập bến, với mục tiêu xây dựng bến hàng lỏng, hàng bao kiện, hàng container; Dự án Trạm dừng nghỉ loại 1 trên Quốc lộ 1A tại Km888+650; Dự án bãi đỗ xe và khu dịch vụ phụ trợ cảng Chân Mây; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 2; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan số 1, số 2 Chân Mây; Dự án khu đô thị Chân Mây vị trí số 1, số 2 góp phần xây dựng Chân Mây thành khu đô thị sinh thái; Dự án nhà ở xã hội phục vụ người lao động, người có thu nhập thấp; Dự án kho cảng LNG; Nhà máy nước Lộc Thuỷ; Khu du lịch – bến thuyền – thể thao dưới nước Lăng Cô; Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Cả đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao; Dự án khu du lịch biển Lăng Cô đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao; Dự án khu phức hợp du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng đầm Lập An đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao.

 

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích khoảng 27.108ha, với 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế, khu kinh tế này hiện cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính, có hệ thống xử lý nước thải với công suất 10.000 m3/ngày đêm, bãi xử lý chất thải rắn. Ngoài ra, khu kinh tế cũng xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 4 dự án tái định cư với tổng diện tích khoảng 125 ha, khả năng bố trí cho khoảng 3.000 hộ dân di dời đến ở, sẵn sàng phục vụ các dự án khi triển khai.

Theo quy hoạch, thành phố Huế định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành một đô thị ven biển hiện đại trong tương lai, với tổng diện tích 447km2. Đây sẽ là đô thị công nghiệp sạch - cảng biển, một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng động lực miền Trung, liên kết chặt chẽ với đô thị Đà Nẵng. Với lộ trình đến 2030 chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại III; giai đoạn từ 2030 - 2045 nâng cấp đô thị để trở thành thị xã/thành phố Chân Mây - Lăng Cô.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Huế Phan Quốc Sơn, thành phố đang tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ các khu kinh tế, khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt hai con số, lãnh đạo thành phố Huế đã yêu cầu các cơ sở, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra ngay từ đầu năm. Theo đó, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư, tập trung hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục các dự án khởi công, đưa vào vận hành, khai thác, những dự án hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, thu tiền sử dụng đất trong năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục