Mối lo với doanh nghiệp dệt may nửa cuối năm

16:45' - 02/07/2021
BNEWS Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải chạy hết công suất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động.

6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may liên tục nhận đơn hàng mới. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nguy cơ thiếu hụt lao động và chậm tiến độ giao trả hàng, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng nửa cuối năm.

Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải chạy hết công suất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch cho ngươi lao động.

Đây là giải pháp ngành dệt may thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất của ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục tăng tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu m, tăng 9,3%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu m, tăng 8,8%; quần áo mặc thường ước đạt 1.882,9 triệu cái, tăng 9,7%...

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may thời gian qua có sự phục hồi mạnh mẽ. Hầu hết các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, đến quý III và hết năm. Để có được sự phục hồi này nhờ chính sách thúc đẩy đẩy thương mại, tìm kiếm thị trường của Chính phủ và Bộ Công Thương và cùng đó là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành.

"Từ nay đến cuối năm, về cơ bản các doanh nghiệp sẽ không phải lo việc thiếu hụt, không có đơn hàng. Cùng với đó là các Hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do  Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề dịch COVID-19 vẫn sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp", ông Vũ Đức Giang cho hay.

Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2021, trước tình hình thị trường dệt may thế giới vẫn chưa ổn định do còn bị ảnh hưởng và tác động mạnh bởi dịch bệnh và chiến tranh thương mại, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 17.365.000 triệu đồng tăng khoảng 17% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 700 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với năm 2020.

Nỗ lực vượt khó

Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải chạy hết công suất. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 (May 10), đơn vị vừa phải lo sản xuất kinh doanh, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, với mục tiêu không để dịch COVID-19 xuất hiện ở May 10 và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hiện, May 10 tăng cường công suất sản xuất và cơ cấu lại các nhóm, ca làm việc để tăng năng suất lao động... kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì trễ hẹn.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, thời điểm này, tại nhiều địa phương, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong sản xuất của doanh nghiệp. Chỉ cần khu công nghiệp, doanh nghiệp bị dừng sản xuất từ 2-3 tuần thì đã có nguy cơ chậm tiến độ giao hàng và bị phạt.

Cụ thể, các doanh nghiệp làm gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công. Còn doanh nghiệp làm theo phương thức FOB sẽ bị thiệt hại lớn hơn, nếu đối tác từ chối nhận hàng do giao chậm. Đó là chưa kể, khi sản xuất bị chậm, doanh nghiệp phải đổi từ giao hàng đường thủy sang hàng không, chi phí sẽ tăng lên nhiều. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp thua lỗ.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Giang cho rằng, thiếu hụt lao động cũng là mối lo lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó thu hút lao động, trong khi chi phí ngày càng tăng.

Thông tin mới đây của Công ty May Nhà Bè cũng cho biết, dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, ngành dệt may tiếp tục đối diện với sự thiếu hụt lao động, chi phí nhân công tăng cao. Ngoài ra, việc sản xuất ổn định còn phụ thuộc nhiều vào việc doanh nghiệp có “thu xếp” đủ vaccine để tiêm cho người lao động và người thân của họ hay không. Mới đây, Công ty May Nhà Bè đã có 3.000 công nhân được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp liên tục nhận đơn hàng từ châu Âu, Hoa Kỳ… Nhưng, để ổn định sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giao hàng, người lao động cần được tiêm vaccine phòng COVID-19. Nếu có thể nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động thì ngành dệt may có thể tạo đà phát triển và bứt phá.

Trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kịp thời giao hàng, trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới…/.

>>Vinatex với kỳ vọng hồi phục cùng ngành dệt may

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục