Mối nguy thật từ không gian ảo
Năm ngoái, bà Charlotte Goh, 58 tuổi, nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên Cơ quan An ninh mạng Singapore. Người này thông báo rằng số điện thoại của bà có liên quan đến một vụ lừa đảo nhắm vào người Malaysia và hướng dẫn bà liên hệ “Interpol Malaysia” để được trợ giúp. Trong cuộc gọi kéo dài hơn 2 giờ, bà đã chia sẻ thông tin cá nhân gồm tên và số định danh cá nhân, nhưng vẫn ngần ngại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Chỉ khi được yêu cầu chụp ảnh cùng căn cước công dân, bà mới nhận ra mình đang bị lừa và lập tức cúp máy. Bà Goh đã kịp thời đổi mật khẩu và chuyển tiền vào tài khoản của con gái trước khi xảy ra bất kỳ rủi ro nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như người phụ nữ này.
Theo báo cáo thường niên năm 2024 của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA), các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu đã thiệt hại 1.003 tỷ USD, một con số khổng lồ có thể tương đương Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia. Chỉ 4% trong số các nạn nhân lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt. Mỹ báo cáo mức thiệt hại cao nhất, với trung bình mỗi người dân “xứ cờ hoa” mất 3.520 USD do sập bẫy lừa đảo. Ở các nước đang phát triển như Pakistan, Nam Phi và Kenya, thiệt hại do vấn nạn lừa đảo trực tuyến lớn hơn nhiều, tương đương 3-4% GDP.
Trong năm vừa qua, gần một nửa dân số thế giới trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công lừa đảo ít nhất 1 lần/tuần. Đặc biệt, tại những nơi như Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Brazil, các vụ lừa đảo xảy ra gần như hằng ngày. Khu vực Đông Nam Á cũng đang trở thành “điểm nóng” của tội phạm lừa đảo trực tuyến và lừa đảo viễn thông kể từ đại dịch COVID-19. Theo Liên hợp quốc, hàng trăm nghìn người đã bị buôn bán, ép buộc làm việc tại các trung tâm lừa đảo. Đáng báo động là tại vùng biên giới giữa Campuchia, Lào và Myanmar, các mạng lưới tội phạm đã đánh cắp khoảng 43,8 tỷ USD mỗi năm thông qua các vụ lừa đảo, chiếm gần 40% tổng GDP của 3 quốc gia.
Tại Việt Nam, lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng về mức độ tinh vi và quy mô. Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo, thiệt hại ước tính trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Thống kê cho thấy Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới.
Mức độ phổ biến của Internet, cùng với sự bùng nổ của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng tạo văn bản, hình ảnh và thậm chí video sống động như thật, đã trở thành công cụ khiến các chiêu thức lừa đảo trở nên ngày càng tinh vi và có mục tiêu rõ ràng hơn. Internet đã phát triển mạnh mẽ, tạo nên cuộc cách mạng toàn diện về truyền thông và thương mại, trở thành nền tảng cốt lõi cho hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội ngày nay và thâm nhập sâu vào đời sống của con người. Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người tiếp cận Internet, nâng tổng số người dùng lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số thế giới. Cùng với đó, các chatbot AI được hỗ trợ bởi các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho phép những kẻ lừa đảo tạo ra các tin nhắn và hình ảnh giả mạo mang tính cá nhân hóa cao và thuyết phục hơn.
Ông Steve Grobman, Giám đốc kỹ thuật tại công ty sản xuất phần mềm bảo mật McAfee, cảnh báo: “Công nghệ deepfake mới nhất đã phát triển đến độ hầu như không người tiêu dùng nào có thể phân biệt được hình ảnh do AI tạo ra và hình ảnh thật”.
Có thể thấy, môi trường trực tuyến đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động lừa đảo tinh vi. Những chiêu thức phổ biến nhất hiện nay bao gồm giả danh cơ quan chức năng để thông báo điều tra; gửi đường link giả nhằm đánh cắp thông tin ngân hàng; kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo; hay thông báo trúng thưởng giá trị lớn; nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng... Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân qua tin nhắn, cuộc gọi, hoặc email, dẫn dụ họ nhấp vào đường link độc hại, cài đặt phần mềm nguy hiểm hoặc cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm.
Trước thực trạng đáng báo động về an ninh mạng toàn cầu, Ngày Internet An toàn hơn năm 2025 (ngày 11/2) trở nên đặc biệt ý nghĩa với mục tiêu nâng cao nhận thức về các vấn đề mới nổi và mối lo ngại trên không gian mạng. Năm nay, chủ đề “Cùng nhau tạo dựng môi trường Internet tốt đẹp hơn” là lời nhắc nhở đúng lúc về trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo ra không gian mạng an toàn, nơi người dùng có thể tự tin kết nối và chia sẻ mà không phải đối mặt với nguy cơ lừa đảo hay tấn công mạng. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động tập thể, khuyến khích các cá nhân, tổ chức và chính phủ hợp tác và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo không gian số luôn là môi trường tích cực, trách nhiệm và an toàn.
Thực tế, chính phủ các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ an ninh mạng cho người dùng. Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Australia… đã ban hành khung pháp lý nghiêm ngặt nhằm tăng cường trừng phạt tội phạm mạng, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân. Thái Lan và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác triệt phá các tổng đài lừa đảo cuộc gọi, trong khi Philippines đẩy mạnh triệt phá các tổ chức lừa đảo, tống tiền trực tuyến… Tại Việt Nam, công tác phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng cũng đang được đẩy mạnh. Ngày 23/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 139/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu đẩy mạnh công tác phát triển AI để đấu tranh ngăn chặn và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng…
Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được đẩy mạnh, khuyến khích người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức công nghệ lớn đã không ngừng đầu tư phát triển các giải pháp bảo mật tiên tiến. Các công ty như Google, Microsoft và Meta đã triển khai hệ thống xác thực hai lớp, bộ lọc thông tin độc hại và cảnh báo nguy cơ lừa đảo trong email. Công nghệ AI cũng được ứng dụng để phát hiện các cuộc tấn công giả mạo và ngăn chặn kịp thời.
Các chuyên gia dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như AI, công nghệ chuỗi khối (blockchain) và điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Điện toán lượng tử, dù còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng cũng có khả năng phá vỡ các thuật toán mã hóa truyền thống, gây lo ngại lớn cho việc bảo vệ dữ liệu.
Có thể thấy rằng mối nguy lừa đảo qua không gian mạng đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng. Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp, việc xây dựng một không gian Internet toàn vẹn, an toàn và bền vững không chỉ là nhiệm vụ của các chính phủ, tổ chức quốc tế hay công ty công nghệ, mà còn đòi hỏi sự tham gia chủ động từ mỗi cá nhân. Người dùng cần nâng cao nhận thức, cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin, đồng thời sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến để tự bảo vệ mình. Chỉ khi có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế và sự cảnh giác của từng người, chúng ta mới có thể kiến tạo một không gian mạng thực sự an toàn, nơi mọi người tự tin kết nối, sáng tạo và phát triển.
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
1,3 triệu người dân được bảo vệ khỏi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng
10:28' - 29/12/2024
Về an toàn thông tin, Bộ đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. 1,3 triệu người dân được bảo vệ, không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
-
Kinh tế và pháp luật
Thái Lan công bố dự luật bảo vệ người dân khỏi lừa đảo trực tuyến
14:35' - 22/12/2024
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Kinh tế và Xã hội Số (DES) của Thái Lan vừa trình dự luật nhằm bảo vệ người dân tốt hơn khỏi những kẻ lừa đảo trực tuyến.
-
Kinh tế và pháp luật
New Zealand nỗ lực đẩy lùi các hoạt động lừa đảo trực tuyến
11:22' - 18/11/2024
Với việc ra mắt “Tuần lễ nhận thức về gian lận”, chính phủ nước này cam kết thực hiện các nỗ lực phối hợp mới giữa các ngành và chính phủ để ngăn chặn các vụ lừa đảo trực tuyến.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế và pháp luật
Vụ nam shipper bị hành hung: Người lái xe ô tô chưa liên lạc với người bị đánh
18:23'
Đến trưa cùng ngày, người đàn ông lái xe ô tô vẫn chưa liên lạc gửi lời xin lỗi hay thăm hỏi anh Nguyễn Xuân Hưng.
-
Kinh tế và pháp luật
Tp. Hồ Chí Minh còn tồn hơn 170.000 giấy phép lái xe cần xử lý
12:28'
Để có thể in số tồn trên, Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh cần 50 ngày với điều kiện vật tư, trang thiết bị không hư hỏng và phải tăng ca.
-
Kinh tế và pháp luật
WhatsApp cảnh báo người dùng châu Âu về phần mềm gián điệp
07:00'
Chính phủ Italy cho biết đã nhận được thông báo của WhatsApp về việc có 7 người dùng điện thoại di động trở thành mục tiêu của một phần mềm gián điệp qua dịch vụ tin nhắn này.
-
Kinh tế và pháp luật
Cà Mau tạm giữ hình sự hai đối tượng về hành vi tàng trữ thuốc lá nhập lậu
21:57' - 10/02/2025
Tối 10/2, Công an tỉnh Cà Mau thông tin, đơn vị vừa ra quyết định tạm giữ hình sự hai đối tượng gồm: Nguyễn Nhật Thanh và Lý Thanh Hùng về hành vi "Tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu".
-
Kinh tế và pháp luật
Bình Dương triệt phá đường dây lừa đảo công nghệ cao
21:50' - 10/02/2025
Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng đã lập 25 công ty “ma”, sử dụng hơn 100 tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo công nghệ cao.
-
Kinh tế và pháp luật
Hà Nội: Triệt xóa đường dây “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” với số tiền giao dịch 800 tỷ đồng
17:38' - 10/02/2025
Công an thành phố Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với nhiều đối tượng về hành vi “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
-
Kinh tế và pháp luật
Cẩn trọng bẫy lừa đảo khi đặt dịch vụ du xuân và tính năng ứng dụng dịch vụ công
17:24' - 10/02/2025
Cục An toàn thông tin cảnh báo người dân cẩn trọng với những bẫy lừa đảo trực tuyến liên quan đến du lịch, bán vé máy bay, vé tàu, phòng khách sạn và cài đặt tính năng mới trên ứng dụng dịch vụ công.
-
Kinh tế và pháp luật
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai)
16:01' - 10/02/2025
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Văn Tiếp (47 tuổi, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
-
Kinh tế và pháp luật
Tổng thống Mỹ tin tưởng tỷ phú Elon Musk giúp phát hiện hàng trăm tỷ USD gian lận
12:42' - 10/02/2025
Ngày 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng tỷ phú Elon Musk, người chủ trì việc cắt giảm việc làm trong Chính phủ Mỹ, sẽ giúp phát hiện "hàng trăm tỷ USD gian lận" tại các cơ quan liên bang.