"Mòn mỏi" chờ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận - Bài 2: Tìm lối ra cho dự án

18:36' - 24/04/2019
BNEWS Sau gần 5 tháng bị tạm ngưng thi công, dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã tái khởi động trở lại vào đầu tháng 4/2019.

Hiện nhà đầu tư (Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận) đã có sự thay đổi, bổ sung nhà đầu tư trong liên danh với mục tiêu hoàn thành thông tuyến cuối năm 2020. Tuy nhiên, “đích đến” này vẫn còn nhiều thách thức khi những vướng mắc về quy trình, thủ tục còn ở phía trước.

>>> "Mòn mỏi" chờ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận - Bài 1: Nhiều trắc trở

Chờ tín hiệu từ nhà đầu tư bổ sung

Theo Thông báo số 99/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, dự án đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của nhà đầu tư. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư phải tích cực, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

 Các đại biểu thị sát công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Trước những khó khăn trong quá trình thực hiện, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận mời nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả tham gia liên danh để tháo gỡ vướng mắc dự án. Sau khi tham gia quản trị và điều hành dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và đầu tháng 4/2019, dự án đã tái khởi động với mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Theo ghi nhận tại công trường, một số khu vực nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được thi công trở lại; phương tiện, trang thiết bị và vật liệu cũng tiếp tục được chuyển đến công trường. Liên danh BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã huy động nguồn lực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (vốn tự có, tín dụng ngắn hạn) để triển khai dự án. Việc xử lý đất yếu và chờ lún cũng được triển khai để tháng 3/2020 dỡ tải và thi công các hạng mục tiếp theo.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chia sẻ, hiện nhiều giải pháp đã được triển khai; đồng thời, tìm ra phương án kỹ thuật tối ưu, điều chỉnh thiết kế để bù đắp tiến độ bị chậm trước đây...

Nhà đầu tư đã rà soát, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công; trong đó, lựa chọn và áp dụng công nghệ mới nhằm điều chỉnh các giải pháp xử lý nền đất yếu theo hướng rút ngắn thời gian xử lý xuống dưới 300 ngày; điều chỉnh, thay đổi thiết kế một số hạng mục chính khác. Hiện tư vấn thiết kế đã có báo cáo rà soát, điều chỉnh giải pháp thiết kế và đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra đánh giá là phù hợp.

Cụ thể, dự án có 41/51 km nền đất yếu, nguồn vật liệu phải vận chuyển từ xa, đường bộ kết nối nhỏ, nhiều kênh rạch nên gặp khó khăn. Do đó, các đơn vị sẽ tận dụng đất tại chỗ để đắp bao, tập kết cấp phối đá dăm về hiện trường để sử dụng làm biện pháp gia tải. Trước mắt, xử lý nền đất yếu, sau đó luân chuyển để làm móng mặt đường, nhằm rút ngắn thời gian thi công.

Theo Cơ quan Thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, qua xem xét báo cáo đề xuất của nhà đầu tư và trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, việc nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh một số giải pháp thiết kế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cơ quan Thường trực Hội đồng cơ bản thông nhất với các đề xuất của nhà đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng dự án.

Cần giải pháp đồng bộ để gỡ vướng

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hoàn thành dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang. Điều này giúp địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý dự án. Tuy nhiên, việc chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa hoàn tất các thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, địa phương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan giao nhận hồ sơ, tài liệu liên quan; thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ thành viên. Ban Chỉ đạo đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2019.

Hiện tỉnh Tiền Giang cũng đã khảo sát các tuyến đường công vụ, hệ thống tập kết vật tư, vật liệu; sớm hoàn thành đơn giá vật liệu hợp lý, hợp pháp… Tuy nhiên, do thủ tục chuyển đổi chưa hoàn chỉnh nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được. Nguồn vốn 500 tỷ đồng không được giải ngân kịp thời cũng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho dự án.

Ngày 19/4, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã làm việc với Liên danh nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. UBND tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ ký lại phụ lục hợp đồng, khẩn trương tham khảo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thủ tục cần thiết; đồng thời, thống nhất kế hoạch tiến độ, rà soát đơn giá vật liệu, điều chỉnh tổng mức, phê duyệt lại dự án khả thi.

Đối với kinh phí 2.186 tỷ đồng Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký văn bản đề nghị các bộ, ngành bố trí nguồn vốn này và sẽ đốc thúc Chính phủ sớm rót nguồn hỗ trợ cho dự án. Trong khi đó, phần giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Tiền Giang đã đạt được 98% khối lượng (50,51 km).

Hiện nhà đầu tư cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cập nhật lại tổng mức đầu tư phải áp dụng giá vật tư, vật liệu theo báo giá vật liệu do UBND tỉnh Tiền Giang ban hành đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, việc giảm tổng mức đầu tư (từ 14.678 tỷ đồng còn 9.669 tỷ đồng) là chưa chính xác do áp dụng giá vật tư, vật liệu thiếu cơ sở và chưa phù hợp.

Ở góc độ nhà đầu tư, những khó khăn về tài chính thời gian qua khiến nhiều nhà thầu thi công không thể triển khai dự án. Do đó, các doanh nghiệp sẽ hình thành liên danh với Tập đoàn Đèo Cả để sẵn sàng thực hiện việc cấp tài chính thông qua nguồn cung cấp vật liệu, nguyên vật liệu… Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đứng ra bảo lãnh cho nhà cung cấp bằng uy tín, hạn mức tín dụng của mình.

Về sắp xếp nguồn vốn tín dụng để đảm bảo tính khả thi của dự án, ông Lê Duy Hải - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, Vietinbank là ngân hàng đầu mối cùng một số ngân hàng khác thu xếp vốn khoảng 6.550 tỷ đồng cho dự án. Các đơn vị sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn đầy đủ và kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Ông Mai Mạnh Hồng cho biết, song song với các thủ tục điều chỉnh và gỡ vướng về tài chính, nhà đầu tư sẽ đánh giá lại năng lực các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát; qua đó bổ sung, tăng cường nhà thầu đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và tổ chức thi công đồng loạt trên toàn dự án. Dự kiến trong tháng 5/2019, dự án sẽ được thi công đồng loạt trên toàn tuyến.

Những tín hiệu khởi sắc từ lần tái khởi động tháng 4/2019 được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tuy nhiên, thời hạn hoàn thành thông tuyến cuối năm 2020 là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ cả về thủ tục hành chính, phương án tài chính và giải pháp kỹ thuật./.

>>> Vì sao dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận bị đình trệ từ cuối năm 2018?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục